14 triệu người tại Khu vực Mỹ Latinh mất việc làm vì dịch COVID-19

Báo cáo của ILO cho biết đại dịch COVID-19 tại Mỹ Latinh đã làm giảm 5,7% giờ làm việc và hơn 50% số người lao động trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu liên quan tới các ngành nghề sản xuất.
Một điểm du lịch đóng cửa do dịch COVD-19 tại Cancun, Mexico ngày 1/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một điểm du lịch đóng cửa do dịch COVD-19 tại Cancun, Mexico ngày 1/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính tới thời điểm hiện tại, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến hơn 14 triệu người lao động tại khu vực Mỹ Latinh mất việc làm.

ILO nhấn mạnh lĩnh vực lao động phi chính thức (những người không có bảo hiểm lao động) bị tác động mạnh nhất.

Thống kê cho thấy khu vực này có khoảng 140 triệu người lao động không chính thức và tỷ lệ người lao động không chính thức chiếm hơn 50% lực lượng lao động tại các quốc gia như Colombia, Ecuador, Mexico và Peru.

[EU viện trợ gần 1 tỷ USD cho Mỹ Latinh và Caribe đối phó dịch COVID-19]

Báo cáo của ILO chỉ ra rằng tại Mỹ Latinh, đại dịch COVID-19 đã làm giảm 5,7% giờ làm việc và hơn 50% số người lao động trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng, trong đó chủ yếu liên quan tới các ngành nghề sản xuất.

Các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thương mại và dịch vụ, đặc biệt đối với các dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng, sản xuất và bán lẻ.

Để thoát khỏi tình trạng nguy cấp mà khu vực phải đối mặt, Tổng Giám đốc ILO, Vinicius Pinheiro, khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực cần áp dụng các biện pháp bảo toàn công việc, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ thu nhập của người dân.

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc cảnh báo, do tác động xấu của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kinh tế của khu vực trong năm 2020 sẽ tăng trưởng âm 1,8%-4%, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và số người nghèo sẽ tăng thêm 35 triệu người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.