17 đơn vị bảo tàng, khu di tích liên kết thu hút khách tham quan

Đa số các bảo tàng Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, điểm đến hấp dẫn du khách.
17 đơn vị bảo tàng, khu di tích liên kết thu hút khách tham quan ảnh 1Bảo tàng dân tộc học. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Hội nghị tăng cường phối hợp truyền thông, quảng bá tại các bảo tàng, di tích nhằm thu hút khách tham quan đã diễn ra ngày 28/12 tại Hà Nội với sự tham gia của 17 đơn vị bảo tàng, khu di tích, ban quản lý các khu văn hóa, danh thắng...

Tại hội nghị, tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho hay hiện nay, hệ thống bảo tàng ở Việt Nam rất đông đảo, trải dài khắp các vùng miền đất nước. Trong đó, nhiều bảo tàng đón lượng khách tham quan lớn trong năm. Tuy nhiên, công tác liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng để phát huy sức mạnh, tăng cường quảng bá thu hút khách còn rất hạn chế, đang ở tình trạng “mạnh ai nấy làm.”

Do đó, các bảo tàng cần liên kết lại nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá, phát huy giá trị các di sản văn hóa đang được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng, các hoạt động của bảo tàng, di tích để thu hút khách tham quan, nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của các bảo tàng, di tích.

Tại hội nghị, đại diện 17 bảo tàng, khu di tích… đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo biên bản ghi nhớ phối hợp truyền thông, quảng bá.

Các bảo tàng, di tích thực hiện nhiều công việc trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 như phối hợp truyền thông quảng bá, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, truyền thông, quảng bá hoạt động; truyền thông điện tử, chia sẻ tài nguyên số...

Hầu hết các đơn vị đều ủng hộ việc liên kết phối hợp để quảng bá, thu hút khách tham quan, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động thay vì chỉ truyền thông, quảng bá đơn lẻ như hiện nay. Thời gian tới, các đơn vị sẽ chính thức ký biên bản ghi nhớ này và thực hiện.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có hệ thống bảo tàng phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, đa số các bảo tàng Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, điểm đến hấp dẫn du khách.

Lượng khách đến thăm bảo tàng đông đúc chỉ có được ở một số bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chàm (Đà Nẵng)...

Rất nhiều bảo tàng chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có bảo tàng cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan.

Hầu hết các bảo tàng chưa gắn kết với các chương trình du lịch và chưa thu được tiền từ hoạt động tham quan của du khách.

Đây là sự lãng phí tài nguyên du lịch bởi sự kết nối giữa du lịch và di sản văn hóa là nhu cầu mang tính tự thân...

Thực tế trên thế giới cho thấy bảo tàng, di tích là những nguồn tài nguyên du lịch quý giá của đất nước. Trong mỗi chuyến hành trình, bảo tàng luôn là điểm dừng chân của du khách bởi qua đó, họ có thể tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của người bản địa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.