Là một trong những ngành có tốc độ phục hồi được đánh giá tích cực của nền kinh tế, du lịch Việt Nam đang lấy đà cho những hoạt động mạnh mẽ hơn vào năm 2024.
Bên cạnh việc tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt chính sách, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng ngành công nghiệp không khói cần “bắt tay” với nhiều lĩnh vực khác để không bỏ phí các “giá trị tài nguyên.”
2024 là năm bứt tốc của du lịch Việt Nam?
- Năm 2023 đã đi qua với nhiều dấu ấn tích cực, vậy Hiệp hội Du lịch có kỳ vọng gì về sự phục hồi khi bước sang năm 2024?
Ông Vũ Thế Bình: Năm 2023, ngành du lịch đã đạt được một số kết quả tốt đẹp, lượng khách tăng cao hơn dự kiến, hứa hẹn sự tăng trưởng trong những năm tới. Tất nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều mục tiêu chúng ta chưa đạt được.
Nhưng dù sao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ khi sửa lại Luật Xuất nhập cảnh, cùng nhiều hoạt động ngoại giao sôi động trong năm 2023 đã tạo tiền đề cho năm 2024 có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
- Là người gắn bó với hoạt động du lịch đã hơn nửa thế kỷ, ông nhận định thế nào về xu hướng và những khó khăn cụ thể mà ngành du lịch phải đối diện trong năm 2024?
Ông Vũ Thế Bình: Năm 2024, ngành du lịch vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là về nguồn khách. Nhiều quốc gia chưa hồi phục và thậm chí nhiều chính sách của mỗi quốc gia cũng có những thay đổi nhất định, nên để thu hút khách đến bắt buộc chúng ta phải làm việc nhiều hơn, xúc tiến mạnh hơn nữa.
Thứ hai, về sản phẩm du lịch, khách sau COVID-19 khác với trước đại dịch về nhu cầu, sở thích, nên ngành du lịch cũng phải chuyển đổi theo, tạo ra nhiều sản phẩm thích hợp với xu thế hơn. Sản phẩm du lịch văn hóa sẽ là một trong những loại hình sản phẩm quan trọng của tương lai, nên toàn ngành đang tập trung vào phát triển du lịch văn hóa.
Thứ ba, về nguồn nhân lực. Hiện hơn 1/2 nguồn nhân lực của ngành du lịch đã dịch chuyển sang ngành khác. Như vậy, năm 2023 là năm toàn ngành cần hết sức nỗ lực trong việc thu hút nguồn nhân lực, bổ sung nguồn lực mới và năm 2024 sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh công việc hơn nữa.
Tóm lại, cả vấn đề về chính sách, về sản phẩm, nhân lực và cuối cùng là xúc tiến du lịch đều phải đẩy mạnh. Năm 2024 Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã quyết tâm, tôi tin rằng từ phía Nhà nước sẽ tập trung đầu tư xúc tiến ở tầm vĩ mô.
Còn về phía các doanh nghiệp du lịch, họ cũng đã hiểu cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến mới có thể bán được nhiều hơn sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Tôi tin rằng 2024 sẽ là một năm hồi phục mạnh mẽ của thị trường khách du lịch quốc tế ở Việt Nam.
- Năm 2023, các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng, vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để thu hút hơn nữa khách quốc tế đến trong năm 2024?
Ông Vũ Thế Bình: Hiện nay, mặc dù các thị trường khách quốc tế đang trong quá trình hồi phục, nhưng thực tế một số thị trường quan trọng của chúng ta lại chưa thực sự như kỳ vọng. Hiện chúng ta có hai thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục khá nhanh và hy vọng năm 2024 hai thị trường này sẽ vượt năm 2019.
Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng và tất cả các doanh nghiệp Việt đang kỳ vọng cũng như tin tưởng vào sự mở cửa của thị trường này, tuy tăng chậm nhưng khi đã tăng thì sẽ tăng cao. Vì vậy, chúng ta sẽ chờ đợi những nỗ lực giữa Việt Nam và Trung Quốc để khai phá thị trường này nhiều hơn nữa và hy vọng 2024 lượng khách Trung Quốc trở lại Việt Nam sẽ bằng năm 2019.
Hiện mọi người vẫn đang bàn về việc năm 2024 chúng ta sẽ đưa ra con số mục tiêu là bao nhiêu, mỗi tổ chức đều có quyền đưa ra kế hoạch của mình. Riêng Hiệp hội Du lịch, chúng tôi đang phấn đấu các doanh nghiệp du lịch có thể thu hút được 20 triệu khách quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp sẽ cố gắng, quyết tâm, phấn đấu để đạt được con số này.
Chú trọng khai thác "tài nguyên" văn hóa
- Năm 2023, nhiều sự kiện âm nhạc quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, theo ông chúng ta cần hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết như thế nào để có thể phát triển loại hình du lịch này?
Ông Vũ Thế Bình: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng có yếu tố xã hội và nội hàm văn hóa cao, do đó nếu du lịch hoạt động, vận hành dựa trên nền tảng văn hóa thì sẽ làm được nhiều và rất tốt.
Câu chuyện ở đây là đôi khi có sự lẫn lộn giữa du lịch và văn hóa. Du lịch là khai thác những giá trị của văn hóa để tạo thành sản phẩm bán được cho du khách, chứ du lịch không làm văn hóa. Vì thế, khi có một sự kiện văn hóa thì chúng ta lại không nhớ đến du lịch. Bản thân ngành văn hóa khi tổ chức những sự kiện lớn và tốn kém cũng không trao đổi, hợp tác với du lịch hoặc chính ngành du lịch không tìm đến những sự kiện văn hóa. Vô tình chúng ta đã bỏ lỡ giá trị “tài nguyên” này.
Chỉ khi “bắt tay” nhau chúng ta mới tạo được liên kết để hai bên cùng có lợi. Văn hóa tổ chức sự kiện được nhiều người xem mà du lịch thì lại thu được nhiều tiền hơn, phát triển được nhiều dịch vụ hơn.
Xu thế sau COVID-19 là tổ chức những hoạt động du lịch có tính chuyên sâu hơn, khai thác những khía cạnh cảm thụ cao hơn cho người đi du lịch. Bởi du khách ngày nay có nhu cầu tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử. Họ khám phá những điểm du lịch mạo hiểm, những nơi có tài nguyên bản địa sâu sắc hơn…, tức là chất khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của khách hậu COVID-19 đã nâng tầm so với trước. Đây chính là “chìa khóa” cho các doanh nghiệp, họ phải tạo ra những sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa, kiến thức cũng như chứ đựng nhiều hàm lượng cảm thụ để có thể hấp dẫn khách nhiều hơn.
Hiểu về biểu tượng từ Di sản Phi vật thể để quảng bá và hấp dẫn du khách
Xung quanh câu chuyện quảng bá Di sản Văn hóa Phi vật thể Việt Nam và giải mã một số biểu tượng từ di sản, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh đã có những chia sẻ với phóng viên.
Tóm lại, du lịch phải gắn kết nhiều hơn nữa với các sự kiện văn hóa, thể thao và nhiều sự kiện khác nữa. Chúng ta biết rằng có những sự kiện âm nhạc thu hút tới hàng chục vạn người tham dự, và đó chính là mảnh đất màu mỡ cho du lịch khai thác.
Hiện du lịch chưa khai thác được nhiều ở các sự kiện này do tính liên kết giữa văn hóa và du lịch chưa được sâu. Nhưng chúng tôi tin rằng việc bắt tay nhau giữa các ngành là điều bắt buộc phải làm. Bởi không phải chỉ có văn hóa, không chỉ có các sự kiện âm nhạc mà ngay cả những sự kiện thể thao cũng mang lại lợi ích hết sức to lớn. Vì thế mỗi lần có sự kiện âm nhạc, thể thao lớn chúng tôi mong muốn các nhà tổ chức hãy thông báo với ngành du lịch để chúng ta có thể hợp tác, đảm bảo lượng khách đến mang lại hiệu quả cho cả địa phương mà sự kiện đó diễn ra.
- Vâng, xin cảm ơn ông và chúc ngành du lịch một năm mới gặt hái nhiều thành công!