Du lịch Xanh sẽ là chặng đường dài của nền công nghiệp không khói Việt Nam. Đặc biệt, hậu đại dịch hợp tác công-tư được xác định là “chìa khóa vàng” để du lịch phục hồi và phát triển bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, ông Hà Văn Siêu đã có trao đổi với phóng viên về nội dung này.
Thay đổi cách làm du lịch
- Chúng ta thấy rõ ràng một điều sau đại dịch COVID-19 có nhiều cách làm du lịch đã không còn phù hợp. Trong bối cảnh đó, hợp tác công-tư trở thành giải pháp mà nhiều địa phương lựa chọn để xúc tiến quảng bá và phục hồi, phát triển bền vững, vậy ông đánh giá ra sao về tầm quan trọng của chiếc “chìa khóa” này?
Ông Hà Văn Siêu: Sau dịch COVID-19, xu hướng du lịch thay đổi, vì thế cách làm du lịch cũng phải thay đổi nếu muốn phục hồi và phát triển bền vững. Trong số đó hợp tác công-tư là quan trọng và thực sự cần thiết, là con đường mà các địa phương, điểm điến phải đi theo.
Tuy nhiên, trong du lịch điểm đến được coi là của chung và người ta vẫn nói “cha chung không ai khóc.” Nhưng dịch vụ là của từng doanh nghiệp, vậy thì hợp tác như nào để điểm đến được tỏa sáng, doanh nghiệp thu hút nhiều khách?
Chúng ta thấy rằng, trong du lịch nhiều người làm tốt hay nhiều địa phương làm tốt mà chỉ cần một “vết xước” thì tất cả đổ sông đổ bể.
Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp với cơ quan quản lý điểm đến triển khai hành động cụ thể, ứng dụng công nghệ, thực hiện chương trình đầu tư công-tư, chương trình phát triển nguồn nhân lực, chương trình xúc tiến quảng bá…
Đã cùng nhau làm thì phải huy động nguồn lực của các doanh nghiệp để cùng Nhà nước giải bài toán có mục tiêu chung. Ví dụ, chương trình xúc tiến quảng bá do cơ quan quản lý điểm đến phát động thì các doanh nghiệp trên địa bàn phải tham gia, vừa góp nguồn lực vừa giới thiệu sản phẩm. Điểm đến có tỏa sáng được hay không là nhờ các sản phẩm du lịch của doanh nghiệp có chất lượng hay không? Đây cũng chính là nội dung cụ thể trong hợp tác công-tư.
Đặc biệt, việc xúc tiến quảng bá mang lại lợi ích thiết thực và lợi thế cân bằng “win-win” cho các bên.
Ông Vũ Thế Bình: Cần "nhạc trưởng" truyền thông cho du lịch Việt
Chính vì thế, chúng tôi đánh giá cao cơ quan quản lý nào huy động được sự tham gia của doanh nghiệp. Bởi lẽ, có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tham gia vào quá trình xúc tiến quảng bá điểm đến, như vậy sẽ không công bằng khi cùng gặt hái những lợi ích mà điểm đến mang lại. Trong luật không bắt buộc nhưng thực tế các bên phải cùng tham gia nếu muốn hưởng lợi để cùng phát triển. Đó là nguyên tắc của hợp tác công-tư trong xúc tiến quảng bá du lịch.
Có một số địa bàn đã hình thành quỹ chung từ việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp khối tư nhân để cùng với cơ quan nhà nước triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực… Tất cả những nội hàm đó cần phải được tập trung khai thác trong hợp tác công-tư để làm sao cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước cùng có lợi.
Toàn ngành tập trung đầu tư Xanh
- Về đón khách quốc tế, sau 10 tháng chúng ta đã cán mốc mục tiêu cả năm, ông nhận định thế nào về sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời gian tới?
Ông Hà Văn Siêu: Chúng ta đặt kế hoạch 8 triệu khách quốc tế đến năm 2023, 10 tháng chúng ta đã đạt con số 10 triệu. Có thể khẳng định đây là kết quả phục hồi tích cực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số. Chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào chất lượng, trải nghiệm của khách đến với điểm đến Việt Nam có gì khác, có gì mới thú vị hơn xưa.
Tốc độ phục hồi này cũng nằm trong xu hướng chung của khu vực và thế giới mà chúng ta đã và đang bắt kịp, đang từng bước cùng với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cộng đồng, hiệp hội du lịch thích ứng với xu hướng du lịch Xanh hơn, chất lượng hơn, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách sau COVID-19.
Toàn ngành du lịch đang tập trung vào xu hướng đầu tư Xanh, vào những trải nghiệm có trách nhiệm mà khách tương tác với điểm đến. Ở đây, câu chuyện chất lượng du lịch được đặt lên hàng đầu, để làm sao du khách lưu lại điểm đến dài ngày hơn, có nhiều trải nghiệm cũng như ấn tượng đặc biệt.
Vậy thì, sản phẩm du lịch phải thiết kế được những giá trị “điểm chạm” đúng nhu cầu mà khách thích thú, làm sao có nhiều hoạt động trải nghiệm thì khách mới ở lại lâu. Đó là hướng đầu tư bền vững và cần tập trung đổi mới, đặc biệt cần sự tham gia của công nghệ trong việc kết nối điểm đến trong sản phẩm du lịch.
Con số 10 triệu khách của 10 tháng đang khích lệ doanh nghiệp đi theo hướng này, vừa đảm bảo quy mô đồng thời cũng phải nâng tầm về chất lượng và tính chuyên nghiệp. Ngành du lịch không thể tự làm một mình mà cần phải liên kết, cần ứng dụng công nghệ để vừa có chất lượng vừa có năng lực cạnh tranh mới, đảm bảo yêu cầu của giai đoạn mới.
- Theo số liệu thống kê, có tói 70% khách quốc tế đến Việt Nam đi du lịch biển, đảo, đồng thời đây cũng là thế mạnh của du lịch Việt. Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta có nên tiếp tục đầu tư theo hướng này để thu hút được nhiều hơn nữa khách ngoại?
Ông Hà Văn Siêu: Việt Nam thực sự có lợi thế về du lịch biển, đảo và đang khai thác lợi tế này rất thành công. Trước COVID-19, chúng ta có lượng khách rất lớn đến với những vùng biển đẹp, nhưng sau đại dịch chúng ta cần cấu trúc lại, tính toán lại cách làm du lịch, làm sao để có sức hút mạnh mẽ hơn nữa không chỉ biển đảo, mà đặc biệt là điểm nhấn về văn hóa.
Văn hóa theo nghĩa rộng đó là truyền thống, di sản, những giá trị văn hóa bản địa mà người dân địa phương đang sở hữu, tạo nên những hoạt động mà khách có thể cùng trải nghiệm, cùng tương tác, cùng tham gia vào đời sống của người dân ở điểm đến, tạo cho khách có những ấn tượng sâu sắc, cảm nhận sâu đậm hơn về điểm đến.
Rõ ràng, chúng ta vừa có lợi thế du lịch biển cùng với văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, nếu khéo léo biến thành những trải nghiệm du lịch văn hóa thì du khách sẽ ấn tượng hơn rất nhiều, níu chân khách ở lại lâu hơn và du lịch tăng thêm được giá trị cho điểm đến. Tôi nghĩ du lịch cần tập trung theo hướng này.
- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.