Ngày 28/1, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo về hợp tác quản lý điểm đến của ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ)
Dưới sự sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án "Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ" (gọi tắt là Dự án EU), hội thảo đã thảo luận các nội dung về đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch tại khu vực.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 50 đại biểu đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo và cán bộ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, các trường đào tạo nghề du lịch và các doanh nghiệp du lịch vùng.
Đây cũng là cơ hội để Dự án EU báo cáo kết quả thu được từ chuyến công tác của nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước đến ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 12-27/1, với mục tiêu nghiên cứu hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch và kế hoạch xúc tiến quảng bá điểm đến của vùng.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo ba tỉnh đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch của ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Robert Travers, chuyên gia quốc tế về phát triển điểm đến của Dự án EU thay mặt nhóm chuyên gia trình bày “Cơ hội phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm, quản lý và tiếp thị.”
Theo ông Travers, lượng khách chính của vùng vẫn là khách du lịch trong nước, phần đông là khách đi du lịch tâm linh. Du khách mới chỉ xem vùng này là điểm tham quan đơn thuần, thậm chí chỉ là một điểm đi thêm trong hành trình tour nên lưu trú ngắn, thường chỉ ở lại một ngày. Trong khi đó, để được coi là một điểm đến du lịch thì địa phương phải lưu giữ khách từ 3-5 ngày trở lên.
Công suất phòng bình quân của hệ thống khách sạn cũng chỉ đạt từ 30-40%.
Chính sách phát triển du lịch địa phương là cố gắng giới thiệu sự khác biệt trong sản phẩm của từng tỉnh mà chưa hướng đến sức mạnh chung của cả điểm đến sông Mekong.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cần cùng nhau thông qua một phương pháp tiếp cận mang định hướng thị trường, nhắm vào những phân khúc khách lưu trú dài ngày hơn ở cả thị trường trong và ngoài nước...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng nhà nước nên hợp tác chặt chẽ với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng các trung tâm du lịch đặc sắc; góp phần xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long thành một điểm đến khác biệt so với những điểm đến khác của Việt Nam.
Để cải thiện sản phẩm du lịch của khu vực này, các chuyên gia đề xuất cần nâng cao chất lượng các khu nghỉ dưỡng, các cơ sở lưu trú ven sông nhằm tạo thêm nhiều lựa chọn du lịch, giải trí trên sông nước, nâng cao chất lượng du lịch nông nghiệp, tham quan các miệt vườn trái cây, dịch vụ lưu trú tại nhà dân...
Hội thảo này được xem là bước hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo của Dự án EU sau hội nghị cấp cao ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày 18/10/2014 về hợp tác liên kết phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Dự án EU cũng đã khởi xướng và hỗ trợ các Ban Quản lý điểm đến tại tám tỉnh Tây Bắc mở rộng, ba tỉnh duyên hải miền Trung và ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm...
Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ với mục đích đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Dự án trị giá 11 triệu euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu euro, được triển khai trong giai đoạn từ 2011-2015. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản, Tổng cục Du lịch là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện./.