Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về phương án đầu tư xây dựng thêm nhà ga quốc tế-cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với tổng mức đầu tư lên tới 3.200 tỷ đồng.
Theo báo cáo của ACV, trong những năm qua, lượng khách đi máy bay thông qua cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng không ngừng tăng trưởng, tốc độ tăng bình quân hơn 14%/năm. Số lượng hành khách năm 2014 đã đạt 5 triệu lượt khách (tăng 16%) so với năm 2013, trong đó có 900.000 khách quốc tế (tăng 53%) so với năm 2013.
Dự báo, sản lượng hành khách nội địa và quốc tế đến năm 2016, lượng khách đi máy bay thông qua nhà ga này khoảng 6 triệu, năm 2020 khoảng hơn 9 triệu và năm 2030 là xấp xỉ 20 triệu lượt khách.
“Nhà ga hành khách hiện tại của sân bay Đà Nẵng do ACV đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2011, đảm bảo phục vụ 4 triệu lượt khách mỗi năm và từ 6-8 triệu lượt khách/năm từ 2015 trở đi. Vì vậy, với tốc độ tăng trưởng hành khách như hiện nay, nhà ga khách hiện tại chắc chắn sẽ quá tải trong một vài năm tới,” ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho hay.
Bổ sung thêm, ông Lê Mạnh Hùng tiết lộ, hiện nay, ACV đang có kế hoạch nâng công suất nhà ga hiện tại lên mức 8 triệu khách/năm. Tuy nhiên, công suất này cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu trong 3 năm tới và sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải.
“Do đó, việc xây dựng thêm một nhà ga hành khách tại Đà Nẵng là rất cần thiết và cấp bách, giúp hình thành 2 nhà ga, tách biệt quy trình khai thác quốc nội và quốc tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phục vụ trên 2,3 triệu khách vào năm 2022 và 4 triệu khách vào năm 2030 đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay,” vị Tổng giám đốc ACV khẳng định.
Theo đó, nhà ga quốc tế mới nằm bên phải nhà ga hiện hữu, trên phần đất nhà ga cũ, nhà ga hàng hóa và một số công trình khác của cảng. Vị trí nhà ga đang được tư vấn ADCC cập nhật vào hồ sơ quy hoạch điều chỉnh sẽ được trình các cơ quan chức năng để phê duyệt theo quy định vào đầu tháng Bảy tới đây.
Nhà ga hành khách quốc tế mới được thiết kế với tổng diện tích khoảng 40.000m2 sàn gồm 2 cao trình đi và đến tách riêng biệt. Cùng với hệ thống đường giao thông sân đỗ ôtô và các công trình phụ trợ tương ứng với công suất nhà ga như 40 quầy thủ tục, 9 cửa ra tàu bay, 4 cầu ống lồng đôi, 5 băng chuyền hành lý...
Liên quan đến phương án đầu tư, phía ACV cũng đưa ra khái toán tổng mức đầu tư dự án dự kiến là 3.200 tỷ đồng trong đó chi phí xây dựng và thiết bị lên tới 2.390 tỷ đồng, phần vốn giải phóng mặt bằng 300 tỷ đồng.
Đề cập đến hình thức đầu tư, sau khi nghiên cứu các quy định liên quan của Nhà nước, ACV kiến nghị cho phép thành lập Công ty cổ phần để đầu tư xây dựng nhà ga quốc tế trong đó, ACV tham gia góp vốn 10% với tổ hợp nhà đầu tư TASECO, AOV, HANCORP.
“Việc huy động được nguồn vốn đầu tư theo phương thức xã hội hóa sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư dự án nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, góp phần đem lại hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng,” ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để kịp phục vụ trong dip hội nghị APEC vào tháng 10-11/2017, ACV kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt và có hướng dẫn Tổng công ty về hình thức đầu tư phù hợp với các quy định của Nhà nước, đảm bảo tiến độ triển khai dự án khởi công vào tháng 1/2016 và hoàn thành xây dựng tháng 6/2017 (18 tháng)./.
Nhà ga sân bay Đà Nẵng hiện tại được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 12/2011 với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng 36.600m2, có công suất phục vụ tối đa 6 triệu khách/năm với 9 cửa ra tàu bay, 4 cầu ống lồng, 40 quầy thủ tục, 8 băng tải hành lý, 4 tầng nổi và 1 tầng hầm.Hiện, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có 3 hãng hàng không trong nước và 10 hãng hàng không quốc tế kết nối đến 25 điểm đến trên cả nước và thế giới, trung bình trong ngày phục vụ khoảng 140 lần cất hạ cánh (dịp cao điểm lên đến 200 lần cất hạ cánh).