33 sản phẩm của Hà Nội được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực

Những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đảm bảo tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại.
33 sản phẩm của Hà Nội được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực ảnh 110 doanh nghiệp đạt TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Tối 13/12, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trao danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022 cho 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp; trong đó có 10 sản phẩm của 10 doanh nghiệp có số điểm cao nhất được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết sau 5 năm, thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công nhận tổng số 196 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội.

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp thủ đô; có tác động lan tỏa mạnh đến kinh tế thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

[Kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội năm 2022]

Trong số 33 sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2022, ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo có 6 sản phẩm (chiếm 18,2%); ngành công nghiệp điện, điện tử có 4 sản phẩm (chiếm 12,1%); ngành công nghệ thông tin có 5 sản phẩm (chiếm 15,2%); ngành công nghiệp dệt may, da giầy có 8 sản phẩm (chiếm 24,2%); ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm có 4 sản phẩm (chiếm 12,1%); ngành công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm có 3 sản phẩm (chiếm 9,1%); ngành công nghiệp vật liệu xây dựng có 2 sản phẩm (chiếm 6,1%); ngành thủ công mỹ nghệ có 1 sản phẩm (chiếm 3%).

Trong số 25 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022, có 4 doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm năm 2021 đạt trên 1.000 tỷ đồng; 2 doanh nghiệp trong TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam năm 2022 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố là Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần, và Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Thượng Đình; có 11 doanh nghiệp tham gia Chương trình lần đầu với 15 sản phẩm mới, tổng doanh thu 9.400 tỷ đồng; trong đó 2 doanh nghiệp doanh thu trên 1000 tỷ đồng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thời trang Star (1.319 tỷ đồng) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Stanley Việt Nam (4.600 tỷ đồng).

Các doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, đặc biệt là các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình nhà máy thông minh (Smart Factory).

Vì vậy những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đảm bảo tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước. Doanh thu 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp trong năm 2021 khoảng 76.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 550 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.