45 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ: Đưa nghệ thuật đến gần cuộc sống

45 năm là một chặng đường không dài so với nhiều nhà hát và đơn vị nghệ thuật trong ngành nhưng Nhà hát Tuổi Trẻ đã khẳng định vị thế là một trong những đơn vị nghệ thuật sân khấu hàng đầu.
Cảnh trong vở kịch 'Bộ cảnh phục' của Nhà hát Tuổi Trẻ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) 

Trải qua 45 năm hình thành và phát triển (1978-2023), Nhà hát Tuổi trẻ với bản sắc độc đáo là nơi tập hợp đa dạng nhiều loại hình trình diễn, không ngừng sáng tạo và làm mới mình, đã trở thành cầu nối hiệu quả trong việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống đương đại.

45 năm một chặng đường

Nhà hát Tuổi trẻ được thành lập ngày 10/4/1978 theo quyết định số 20B/VH-QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát nghệ thuật quốc gia duy nhất tại Việt Nam có chức năng và nhiệm vụ sử dụng các loại hình nghệ thuật đa dạng gồm kịch nói, ca-múa-nhạc, nghệ thuật thể nghiệm phục vụ khán giả trẻ là thanh niên-thiếu niên-nhi đồng, đồng thời mở rộng ra đối tượng khán giả khác trong nước và nước ngoài.

45 năm là một chặng đường không dài so với nhiều nhà hát và đơn vị nghệ thuật trong ngành  nhưng Nhà hát Tuổi Trẻ đã khẳng định vị thế là một trong những đơn vị nghệ thuật sân khấu hàng đầu.

Nhà hát đã tạo dựng được một thương hiệu nghệ thuật uy tín với hơn 500 vở diễn, chương trình nghệ thuật, khai thác ở nhiều nhóm tác phẩm gồm: nhóm tác phẩm dành cho thanh thiếu nhi, nhóm tác phẩm chính luận-tâm lý xã hội, nhóm tác phẩm kinh điển-lịch sử-hợp tác quốc tế, nhóm tác phẩm hài kịch-ca nhạc, với nhiều thể loại: kịch nói, ca múa nhạc, nhạc kịch, kịch hình thể...

Các chương trình của Nhà hát luôn giành được giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc hoặc giành giải tại các kỳ liên hoan sân khấu quốc tế.

Có thể kể đến một số tác phẩm như: “Công lý không gục ngã," “Hoa cúc xanh trên đầm lầy," “Bộ Cảnh phục," nhạc kịch “Trại hoa vàng," “Ngược chiều gió," “Hedda Gabler”... giành giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn gần đây. Điều này cho thấy Nhà hát đã không ngừng sáng tạo và làm mới, trở thành cầu nối trong việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống đương đại, từng bước hướng tới mục tiêu vươn tầm khu vực.

Ngay cả khi ngành nghệ thuật biểu diễn cả nước đều gặp nhiều khó khăn, Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn vững vàng, bản lĩnh, có những tìm tòi, đổi mới, sớm thích ứng với sự chuyển đổi và biến động của kinh tế thị trường, đặc biệt kiên định với sứ mệnh mang nghệ thuật phục vụ cho lớp trẻ.

Cùng với những đóng góp rất lớn của các thế hệ lãnh đạo của Nhà hát qua các thời kỳ như: Hà Nhân, Phạm Thị Thành, Trần Tiến Thuật, Lê Hùng, Trương Nhuận, Chí Trung, Nguyễn Sĩ Tiến, trong hành trình nghệ thuật 45 năm qua, thương hiệu “Nhà hát Tuổi trẻ” không ngừng được củng cố với nỗ lực sáng tạo, tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ sỹ, diễn viên, đồng hành cùng sự yêu mến, cổ vũ của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Có thể kể đến các những thế hệ nghệ sỹ thành danh như các nghệ sỹ nhân dân: Anh Tú, Lan Hương, Lê Khanh, Minh Hằng; các nghệ sỹ ưu tú: Chí Trung, Ngọc Huyền, Trọng Thủy, Hồng Kỳ, Ngọc Bích, Minh Phương…

Lực lượng nghệ sỹ kế cận như các nghệ sỹ ưu tú: Hoài Phương, Hải Yến, Đức Khuê, Hoa Thúy, Nguyệt Hằng…, các nghệ sỹ Bá Anh, Tú Oanh, Thanh Dương, Thanh Bình, Vân Dung, Tuấn Anh, Chí Huy, Anh Thơ, Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang… đã góp phần làm nên thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ như ngày nay.

[Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại vở kịch về thân phận người phụ nữ thế kỷ 19]

Nghệ sỹ Ưư tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ sự ra đời của Nhà hát Tuổi trẻ 45 năm trước là dấu ấn đặc biệt thể hiện tầm nhìn, nhãn quan đúng xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn và nhu cầu, thị hiếu của khán giả trẻ mong muốn được thụ hưởng các giá trị chân-thiện-mỹ thông qua nghệ thuật.

Nhà hát Tuổi trẻ với bản sắc độc đáo là nơi tập hợp đa dạng nhiều loại hình trình diễn, không ngừng sáng tạo và làm mới mình, đã trở thành cầu nối hiệu quả trong việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống đương đại.

Không ngừng sáng tạo

Những năm gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn thường xuyên bám sát đời sống và nhu cầu của khán giả trẻ để kịp thời có những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống đương đại.

Những chương trình ca múa nhạc kết hợp hài kịch của Nhà hát luôn hấp dẫn khán giả, các chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ thiếu nhi vào dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung Thu đều đặn ra mắt công chúng; mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ vào tháng Tám hằng năm đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả…

Gần đây, Nhà hát còn mạnh dạn dàn dựng các tác phẩm theo xu hướng nhạc kịch như: “Bầy chim thiên nga," “Sóng," “Trại hoa vàng," “Rồi tôi sẽ lớn”…, tạo được dấu ấn riêng biệt và có sức hấp dẫn đặc biệt với giới trẻ.

Cùng với việc chú trọng xây dựng và dàn dựng các chương trình, tác phẩm nghệ thuật trong nước, đội ngũ lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ luôn chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế, kết hợp với đạo diễn và các nghệ sỹ quốc tế phối hợp dàn dựng tác phẩm kinh điển, có giá trị, nhằm mang lại hiệu quả cho hoạt động chuyên môn cũng như cách tiếp cận khán giả mới.

Đơn cử như việc Nhà hát mời đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng hai tác phẩm kinh điển thế giới cả hai tác phẩm đều đã giành giải thưởng cao. Đó là tác phẩm “Cậu Vanya” (huy chương Vàng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019) và tác phẩm “Hedda Gabler” (huy chương Bạc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2022).

Bên cạnh đó, Nhà hát còn hợp tác thành công với Nhà hát Hàn Quốc Sangsang Maru trong dự án “Hội thảo Nhạc kịch gia đình Việt Nam-Hàn Quốc và giới thiệu vở nhạc kịch gia đình “Đứa trẻ của Troll”; tham gia trình diễn vở diễn vở kịch “Con chim xanh” chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam (1996-2021) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của ngài Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Wallonie-Bruxelles…

Tiết mục 'Bầy chim thiên nga' với sự biểu diễn của các nghệ sỹ  Nhà hát Tuổi trẻ. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Có thể thấy việc xây dựng những dự án nghệ thuật hợp tác với đạo diễn, nghệ sỹ quốc tế là một hướng đi thành công của Nhà hát Tuổi trẻ, góp phần làm phong phú kịch mục biểu diễn, tạo cơ hội cho các nghệ sỹ có cơ hội học hỏi và làm việc với các đạo diễn tài năng, đồng thời mang tới cho khán giả yêu sân khấu kịch tác phẩm tiếp cận hình thức sân khấu mới, đương đại.

Đánh giá về những đóng góp của Nhà hát Tuổi trẻ trong dòng chảy của sân khấu Việt, nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho rằng nhìn vào chất lượng, số lượng các tác phẩm, có thể thấy sự nỗ lực và cống hiến không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ.

Đặc biệt, giai đoạn hiện tại, Nhà hát đã xác định tầm nhìn và hướng đi đúng trong việc đổi mới chính mình nhằm bắt kịp xu thế, nhịp sống của xã hội, mang sân khấu đến gần hơn với mọi đối tượng khán giả, nhất là khán giả trẻ. Đây là điều đáng tự hào của các cán bộ nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ.

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Nguyễn Sĩ Tiến cho biết bước vào thời kỳ hội nhập, các đơn vị nghệ thuật sân khấu phải đối mặt với nhiều khó khăn. Phải làm gì để vẫn giữ vững truyền thống mà vẫn tiếp cận được công chúng hiện đại, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên thông qua chương trình nghệ thuật là điều mà các thế hệ nghệ sỹ và ban lãnh đạo Nhà hát luôn trăn trở.

Theo nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, thời gian tới, định hướng nghệ thuật của đơn vị sẽ là tiếp tục đa dạng hơn, bám sát đời sống, nhu cầu của công chúng, đồng thời tiếp tục xây dựng nhiều chương trình, vở diễn đỉnh cao, đáp ứng trình độ thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

“Là ngôi nhà nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ sỹ tài danh cùng những tác phẩm chinh phục nhiều thế hệ khán giả bằng giá trị thẩm mỹ, sức sống lâu bền, Nhà hát Tuổi trẻ bước sang tuổi 45 với nhiều với niềm lạc quan, nhiệt huyết và ước vọng về một nhà hát hàng đầu dành cho thanh thiếu niên tại Việt Nam, vươn tầm khu vực," nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục