Nghệ sỹ Hồng Thắm (Nhà hát Chèo Hà Nội) vuốt tà áo dài, cẩn thận chỉnh lại những hạt kim sa đính trên thân áo. Chị đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi ghi hình chương trình nghệ thuật chào mừng ngày giải phóng Thủ đô.
Trước đó, ngay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, chị Thắm và các đồng nghiệp đã quay trở lại nhà hát, gấp rút tập luyện để chờ ngày được đứng trên sân khấu rạng rỡ ánh đèn.
Sẵn sàng cho ngày mở cửa
Đã nhiều tháng nay, hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải tạm dừng do dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội. Nghệ sỹ sân khấu chỉ biết ở nhà, âm thầm nhớ nghề, nhớ tiếng vỗ tay của khán giả.
“Chúng tôi vẫn tự tập luyện ở nhà, nghiên cứu kịch bản, tập thoại một mình để chờ ngày sân khấu được mở màn. Xa rời sân khấu đã lâu, ai cũng buồn, cũng nhớ,” chị Hồng Thắm chia sẻ.
Bởi vậy, ngay khi điều kiện cho phép, các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội đã háo hức trở lại sân khấu để tiếp tục những dự án mới. Một trong số đó là chương trình nghệ thuật chào mừng ngày giải phóng Thủ đô, được ghi hình không khán giả để phát sóng trên Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội vào ngày 10/10.
“Khó có thể tả nổi niềm vui của chúng tôi khi gặp lại nhau trên sàn tập. Vậy là sau những buổi họp online, những lần trao đổi qua điện thoại, nay chúng tôi lại được đứng dưới ánh đèn sân khấu,” chị Hồng Thắm xúc động nói.
Mặc dù vẫn phải tuân thủ 5K, đeo khẩu trang trong suốt thời gian tập luyện nhưng chị Hồng Thắm khẳng định rằng đó chỉ là chút bất tiện nho nhỏ.
“Với các nghệ sỹ thì được trở lại lao động sáng tạo là niềm hạnh phúc lớn lao mà chúng tôi đã mong mỏi từ lâu. Tất cả đều tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình,” nghệ sỹ tâm sự.
Hơn 100 nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Hà Nội vừa thực hiện chương trình nghệ thuật vừa tập luyện hai vở chèo cổ “Tấm Cám” và “Tống Trân.” Ngoài ra, lãnh đạo nhà hát cũng đang dàn dựng một vở mới mang tên “Chuyện tình quân vương.”
Các đơn vị nghệ thuật khác cũng đang dần dần quay trở lại với những dự án dang dở vì dịch bệnh.
Nhà hát Múa rối Thăng Long vừa thực hiện chương trình về chủ đề phòng, chống dịch COVID-19 do Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức, vừa bắt tay ngay vào dự án đưa nghệ thuật múa rối đến các trường học, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày học sinh trở lại nhà trường. Bên cạnh đó, các nghệ sỹ tiếp tục chuỗi chương trình “Thế giới của chúng em” để phục vụ khán giả nhỏ tuổi dịp Giáng sinh và đón năm mới 2022.
[Bình chọn tác phẩm nghệ thuật biểu diễn xuất sắc về phòng chống dịch]
Nhà hát Tuổi trẻ cũng song song thực hiện các chương trình nghệ thuật để ghi hình, phát sóng trên truyền hình theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và triển khai các vở diễn để tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021. Để sẵn sàng cho ngày mở màn sân khấu, các nghệ sỹ cũng tập lại vở kịch “Cuộc chiến virus” với những thông điệp thời sự dành cho thiếu nhi.
Trong khi đó, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam đã khởi công vở diễn "Chén thuốc độc" hướng tới kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021). Phiên bản "Chén thuốc độc" lần này do nghệ sỹ ưu tú Bùi Như Lai đạo diễn, với sự tham gia của các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, sinh viên Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội...
Tác phẩm dự kiến hoàn thiện vào cuối tháng 10 và sẽ ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội khi dịch bệnh được kiểm soát, sân khấu được phép mở cửa trở lại đón khán giả.
Tìm cơ hội để chuyển mình
Những ngày gần đây, nghệ sỹ ưu tú Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, cũng bận rộn theo sát các nhóm nghệ sỹ trong quá trình tập luyện. Chị cho hay tất cả đang hoạt động hết công suất như để thỏa nỗi nhớ nghề và bù lại những ngày tháng xa rời sàn diễn.
“Chúng tôi chỉ có khoảng 10 ngày để dựng và ghi hình chương trình nghệ thuật chào mừng ngày 10/10, song song với đó là tập luyện cho 3 vở chèo theo kế hoạch trở lại của nhà hát. Dù bận rộn, căng thẳng nhưng không ai kêu mệt,” chị chia sẻ với nụ cười phấn khởi.
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, lãnh đạo nhà hát vẫn luôn cố gắng xây dựng chiến lược để chuẩn bị cho ngày sân khấu được mở màn, kết nối với các đơn vị khác để có thể sản xuất chương trình.
“Vừa qua, các nhà hát đã thực hiện những chương trình trực tuyến hoặc ghi hình không khán giả. Đó là một giải pháp tốt, phù hợp với tình hình thực tế, song đã là nghệ sỹ thì lúc nào cũng mong được đứng trước khán giả. Mong rằng ngày đó sẽ không còn xa,” nghệ sỹ Thu Huyền tâm sự.
Nghệ sỹ ưu tú Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hình thức biểu diễn trực tuyến và ghi hình phát sóng đem lại hiệu quả. Song, muốn bảo đảm chất lượng truyền tải đến khán giả, các đơn vị nghệ thuật cần được đầu tư trang thiết bị tiên tiến và lựa chọn những tác phẩm phù hợp.
“Dù đã nới lỏng giãn cách, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà hát khi khởi động trở lại,” Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói.
Trước những băn khoăn của lãnh đạo các nhà hát, ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết ngành nghệ thuật biểu diễn sẽ từng bước hướng tới thu phí thưởng thức các chương trình nghệ thuật trực tuyến.
Phó Cục trưởng cho rằng để sân khấu biểu diễn sớm phục hồi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang có nhiều chính sách, như hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập duy trì hoạt động; tạo điều kiện để nghệ sỹ các đơn vị được tiêm vaccine đầy đủ; tổ chức các chương trình nghệ thuật trực tuyến hướng tới xây dựng nhà hát trực tuyến chuyên nghiệp cũng như xây dựng chiến lược chuẩn bị để sân khấu sẵn sàng mở cửa đón khán giả…
“Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể xác định được khi nào dịch bệnh kết thúc. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là tìm cách thích ứng, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để chuyển mình,” Phó Cục trưởng cho biết.
Ông nhấn mạnh một trong những giải pháp ở giai đoạn này là phổ biến tác phẩm nghệ thuật biểu diễn trên môi trường kỹ thuật số và các nền tảng mạng xã hội. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống cần đổi mới tư duy để có thể sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu nhằm giới thiệu đến công chúng khán giả trên các nền tảng trực tuyến. Điều này sẽ góp phần quảng bá rộng rãi nghệ thuật truyền thống dân tộc đến khán giả trong nước và quốc tế, nhất là đối tượng khán giả trẻ thường xuyên sử dụng các nền tảng này.
“Các nhà hát cần thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới về ứng dụng công nghệ máy tính, mạng Internet để nâng cao năng lực cho đội ngũ của mình,” ông nói.
Mặt khác, Cục Nghệ thuật biểu diễn khuyến khích các đơn vị nghệ thuật cả nước tích cực dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật có nội dung hấp dẫn, hình thức bắt mắt, với thời lượng phù hợp để phổ biến trên các nền tảng công nghệ trực tuyến./.