55 tác phẩm đoạt giải sáng tạo văn học kỷ niệm 1010 năm Thăng Long

Các tác phẩm đã kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của Thăng Long-Hà Nội; khơi dậy, phát huy lòng tự hào tinh thần cả nước với Hà Nội, Hà Nội với cả nước.
55 tác phẩm đoạt giải sáng tạo văn học kỷ niệm 1010 năm Thăng Long ảnh 1Trao giải cho các tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc vận động. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Tối 28/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trao giải cho các tác phẩm, tác giả (nhóm tác giả) đoạt giải cao trong Cuộc vận động sáng tạo văn học, nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội.

Cuộc vận động đã thu hút sự tham gia của đông đảo lực lượng văn nghệ sỹ Thủ đô. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tạo trên tinh thần đổi mới, phương thức tiếp cận chân thực, hài hòa giữa truyền thống và các yếu tố đương đại.

Các tác phẩm đã kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của Thăng Long-Hà Nội; khơi dậy, phát huy lòng tự hào tinh thần cả nước với Hà Nội, Hà Nội với cả nước; phản ánh sâu sắc, toàn diện diện mạo của Thủ đô trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; phục vụ sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

[Tổ chức trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020]

Ban Tổ chức đã tiếp nhận 317 tác phẩm dự thi thuộc các lĩnh vực mỹ thuật, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, sân khấu, múa, âm nhạc, điện ảnh.

Qua hai vòng sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã trao giải cho 55 tác phẩm đoạt giải cao. Tác phẩm chuyên nghiệp gồm có năm tác phẩm đạt giải A thuộc các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh; chín tác phẩm đạt giải B; 14 tác phẩm đạt giải C; sáu tác phẩm đạt giải Khuyến khích.

Tác phẩm nghệ thuật không chuyên gồm có năm tác phẩm đạt giải B; bảy tác phẩm đạt giải C; chín tác phẩm đạt giải Khuyến khích.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền khẳng địn Cuộc vận động sáng tạo văn học, nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội ra đời với mục đích đẩy mạnh phong trào sáng tạo văn học nghệ thuật, phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sỹ Thủ đô; nêu cao tính ưu việt, nhân văn cao cả, từ đó tuyển chọn các tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng, nghệ thuật, góp phần củng cố và phát triển nền văn học nghệ thuật Thủ đô nói riêng và nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung lên một tầm cao mới.

Tuy vậy theo Ban Tổ chức đánh giá, các tác phẩm có chất lượng cao còn ít, sự đầu tư của các tác giả vào tác phẩm còn hạn chế về thời gian, nhiều tác phẩm còn chưa phản ánh được nội dung của chủ đề cuộc thi.

Ông Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, đề xuất thành phố cho phép 2 năm/lần tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô, có cơ chế giải thưởng hàng năm nhằm nâng cao giá trị văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời gian tới.

Ban Tổ chức cũng bày tỏ sự trân trọng tới tất cả văn nghệ sỹ đã có tác phẩm tham dự cuộc vận động, những người đã miệt mài sáng tạo, thể hiện tình cảm, sự trân quý, tình yêu đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội có lộ trình cụ thể giới thiệu, đăng tải, quảng bá các tác phẩm đoạt giải cao; tiếp tục phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục