6.000 lượt người đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn trong 3 ngày

Mặc dù tuần đầu khai mạc phố đi bộ Trịnh Công Sơn trời có mưa song lượng khách đến tham quan trong ba ngày đầu đạt khoảng 6.000 lượt người.
6.000 lượt người đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn trong 3 ngày ảnh 1Các gian hàng ẩm thực mang phong cách độc đáo trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 14/5, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết mặc dù tuần đầu khai mạc phố đi bộ Trịnh Công Sơn trời có mưa song lượng khách đến tham quan trong ba ngày đầu đạt khoảng 6.000 lượt người.

Như vậy, phố đi bộ thứ hai của Hà Nội đi vào hoạt động đã tạo thêm không gian vui chơi, giải trí cho người dân Thủ đô và du khách đến thăm Hà Nội.

Trong những ngày đầu khai trương, nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến tham quan, trải nghiệm. Tuy địa điểm tổ chức phố đi bộ không nằm ở trung tâm thành phố nhưng với lượng khách đến tham quan như trên đã phần nào khẳng định tính hấp dẫn của phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Hơn nữa, phố đi bộ Trịnh Công Sơn được tổ chức đã giãn bớt lượng khách vui chơi tại phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm vốn rất đông, thậm chí quá tải trong những ngày lễ.

Theo đánh giá chung, cảnh quan tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn khá đẹp, nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, ẩm thực phù hợp, vệ sinh sạch sẽ. Cổng chào, đài phun nước, đèn chiếu sáng, đường, hè, hoa, cây cảnh… được đầu tư đồng bộ.

[Khai trương tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn tại Hà Nội]

Trong dịp khai trương, ngoài chương trình nghệ thuật quy mô lớn còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác như hát nhạc Trịnh trong phòng, hát xẩm trên thuyền và các nhóm nhạc đường phố, nhóm nhảy khiêu vũ… đều thu hút đông người xem.

55 gian hàng được sắp xếp theo các khu vực: hàng nghệ thuật, hàng lưu niệm và ẩm thực.

Trong ba ngày diễn ra ban đầu, không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn không có hiện tượng mất trật tự an ninh, không có rác tồn đọng trước, trong và sau thời gian tổ chức.

Tuy vậy, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn vẫn bộc lộ các bất cập như khu vực rặng nhãn còn thiếu ánh sáng. Hệ thống loa phát thanh nhắc nhở về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự còn thiếu.

Các gian hàng ẩm thực còn đơn điệu, chưa có nhiều mặt hàng đặc trưng của Hà Nộị. Khu vực đầu rặng nhãn và cuối quảng trường xuất hiện một số hàng rong và hàng bán nước. Đặc biệt, hai điểm trông giữ xe của Công ty khai thác Hồ Tây thu phí trông xe máy quá giá quy định.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ khẳng định, để không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ hấp dẫn hơn, quận tiếp tục hoàn chỉnh về hạ tầng, cảnh quan; điều chỉnh các ngành, nghề kinh doanh, nhất là về ẩm thực, lưu niệm. Các tồn tại về hàng rong, đảm bảo chốt trực sẽ được giải quyết, thực hiện triệt để./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.