80% lao động nữ bị đào thải sớm: "Phải chủ động cho chính mình"

Những rào cản khiến phụ nữ khó có thể tiếp cận những công việc tốt, thu nhập cao đến từ nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có một phần do lao động nữ chưa mạnh dạn dấn thân vào cơ hội việc làm.
80% lao động nữ bị đào thải sớm: "Phải chủ động cho chính mình" ảnh 1Lao động nữ ngoài 35 tuổi trong ngành sản xuất đang bị đào thải. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Các cuộc khảo sát, nghiên cứu đều cho thấy phụ nữ Việt Nam có thu nhập thấp hơn nam giới, thậm chí là bị đào thải ra khỏi thị trường lao động sớm hơn. Những rào cản khiến chị em phụ nữ khó có thể tiếp cận những công việc tốt, thu nhập cao đến từ nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có một phần là do lao động nữ chưa thật sự mạnh dạn dấn thân vào các cơ hội việc làm.


Lao động nữ bị đào thải sớm

Một nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) gần đây cho thấy một thực trạng đáng buồn, có tới 80% phụ nữ ở trên 35 tuổi trong các khu công nghiệp đang bị đào thải hoặc tự bỏ việc. Sau khoảng hơn 10 năm làm việc, nhiều người bị cho nghỉ việc với lý do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Đây thực sự là vấn đề không chỉ với phụ nữ mà là của xã hội.

Nghiên cứu về việc làm của lao động nữ cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở lao động nữ từ sau tuổi 35-45 tuổi tăng cao thì có đến 59,6% là lương thấp không đủ sống, áp lực công việc chiếm 39,1% và bị thôi việc, bị đuổi việc là 22,65%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tuổi càng tăng thì khả năng mất việc làm càng lớn.

Người phụ nữ nào cũng mong muốn tìm được một việc làm phù hợp, nhưng điều này không đơn giản bởi cơ hội để lựa chọn chuyển đổi nghề với họ khá ít. Theo nghiên cứu, sau thất nghiệp ở độ tuổi từ 40-45, có tới 2/3 phụ nữ làm công việc nội trợ gia đình, công việc tự do, chỉ có hơn 27% buôn bán nhỏ và hơn 13% lao động nữ quay trở lại làm nông nghiệp.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì tình trạng sa thải lao động sau 35 tuổi rất đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng đời sống người lao động và gia đình họ. Mặc dù hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ, nhưng qua phản ánh của người lao động, ngành nghề thường hay đào thải lao động lại chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản, lắp ráp điện tử…

Có vẻ như, trong thị trường lao động, người phụ nữ vẫn bất lợi hơn so với nam giới trong hành trình tìm kiếm việc làm. Ngay cả khi Luật Lao động có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, nhưng thực tế triển khai luật còn nhiều vướng mắc nên vẫn không khuyến khích doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo đánh giá của các chuyên gia, một số quy định của pháp luật lao động còn phân biệt đối xử đối với nữ như quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa xóa bỏ được định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề đào tạo. Những nguyên nhân khách quan này vô tình hạn chế cơ hội việc làm đối với lao động nữ.

80% lao động nữ bị đào thải sớm: "Phải chủ động cho chính mình" ảnh 2Lao động nữ phải chủ động để sẵn sàng chuyển dịch việc làm trong thị trường lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chủ động với những cơ hội việc làm tốt

Đánh giá về trạng lao động nữ bị đào thải, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, có tới trên 50% số người mất việc làm là nữ. Khi đi xin việc trở lại thì nữ giới tuổi 18-35 có cơ hội tìm việc dễ hơn, đối với lao động nữ trên 35 tuổi thì khó khăn hơn khi xin việc. Do đó, trong thời gian tới, trung tâm cũng sẽ có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lao động nữ tiếp cận với thị trường lao động.

Trước thực trạng phụ nữ gặp nhiều rào cản hơn nam giới trong quá trình tìm kiếm việc làm, một số trung tâm dịch vụ việc làm đã bắt đầu hỗ trợ phụ nữ trong quá trình phỏng vấn, xin việc. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, sau khi triển khai các chương trình hỗ trợ, tỷ lệ kết nối việc làm thành công của phụ nữ đã cao hơn nam giới.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ cho biết: “Quá trình tiếp xúc với người lao động chúng tôi nhận ra rằng nhiều lao động nữ e ngại, không mạnh dạn, không muốn cạnh tranh với lao động nam. Vì thế, chúng tôi đã lao động nữ vượt qua những rào cản này bằng cách hỗ tợ kỹ năng làm hồ sơ, trả lời phỏng vấn, cách tạo dựng hình ảnh trước nhà tuyển dụng…”

Kết quả thu được là tỷ lệ kết nối việc làm thành công tại trung tâm cao của nữ giới lên tới hơn 50%, cao hơn của nam giới. Lao động nữ cũng mạnh dạn hơn trong quá trình tìm việc.

“Có những cơ hội việc làm tốt, phụ nữ có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nhà tuyển dụng nhưng nhiều chị em còn e ngại phải đi làm xa, phải đi công tác nhiều… nên lại lựa chọn công việc thu nhập thấp hơn. Chỉ khi nào phụ nữ dám dấn thân, chủ động với các cơ hội việc làm thì mới có thế thu hẹp khoảng cách về thu nhập với nam giới,” bà Nguyễn Thị Bích Vân nói.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cũng nhấn mạnh, trong cơ chế thị trường, bản thân từng người lao động phải luôn tích cực, chủ động cho chính mình: "Dù công việc hôm nay ổn định thì mai vẫn có thể thay đổi, chẳng hạn như doanh nghiệp phá sản, co hẹp sản xuất…. Do đó, người lao động phải luôn chuẩn bị trau dồi nâng cao tay nghề, trình độ, ý thức để về cơ bản, phải luôn đáp ứng được nhu cầu sử dụng để có việc dài hạn trong doanh nghiệp."/.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ nói về việc hỗ trợ lao động nữ tìm việc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục