9X làm sống lại lịch sử nhờ đam mê phục chế màu tư liệu cũ

Kể từ khi bắt đầu việc phục chế từ tháng 4/2020 cho đến nay, Quang đã lên màu cho hàng trăm bức ảnh và nhiều video phỏng vấn các nhân vật lịch sử, trong đó có những thước phim giá trị về Bác Hồ.
9X làm sống lại lịch sử nhờ đam mê phục chế màu tư liệu cũ ảnh 1Bạn trẻ Viên Hồng Quang có đam mê phục chế màu cho tư liệu lịch sử đen trắng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nếu là một người yêu lịch sử, có lẽ bạn đã xem những thước phim tư liệu chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp năm 1964. Thế nhưng, bạn đã nhìn thấy phiên bản có màu của video này bao giờ chưa?

Đây là sản phẩm phục chế màu của Viên Hồng Quang, một bạn trẻ đam mê lịch sử tại Hà Nội. Là một biên tập viên video làm việc tự do, hơn một năm nay, Quang thường xuyên dành thời gian cho những đam mê của riêng mình, đó là phục chế màu, nâng cao chất lượng hình ảnh bằng phương pháp thủ công và sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, làm phụ đề tiếng Việt cho nhiều tư liệu lịch sử, sau đó chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Trong số các video, hình ảnh về Bác mà Quang từng phục chế, buổi phỏng vấn ngày 5/6/1964 với phóng viên thuộc Văn phòng phát thanh truyền hình Pháp (ORTF) giành được sự quan tâm hơn cả. Video có hàng trăm lượt chia sẻ, có nơi đạt tới 18 triệu lượt xem.

Còn đây là video ca nhạc “Em được nghe chuyện Bác Hồ” của nhạc sỹ Phạm Tuyên viết năm 1957, được Quang ghép từ nhiều thước phim khi Bác ở An toàn khu tại Định Hóa, Thái Nguyên năm 1954. Với lòng kính trọng, cảm phục và yêu mến, Quang đã bật ra ý tưởng ghép hiệu ứng âm thanh rừng núi, tiếng giấy tờ loạt xoạt hay từng tiếng gõ máy đánh chữ... để tạo cảm giác chân thực cho video.

Kể từ khi bắt đầu việc phục chế từ tháng 4/2020 cho đến nay, Quang đã lên màu cho hàng trăm bức ảnh và nhiều video phỏng vấn các nhân vật lịch sử quan trọng. Bên cạnh phim tài liệu về Bác Hồ, Quang mang đến những hình ảnh sống động, chân thực và sắc nét hơn về các gương mặt nổi tiếng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, giáo sư, bác sỹ Tôn Thất Tùng, chủ tịch đầu tiên của Hà Nội – bác sỹ Trần Duy Hưng...

“Họ là một thế hệ giỏi giang, nhưng rất bình dị,” Quang chia sẻ. “Đây là những tấm gương tôi muốn mọi người biết đến, truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ mà đặc biệt là thế hệ trẻ biết thêm về lịch sử nước nhà và được truyền cảm hứng trong cuộc sống, trong học tập.”

Phó Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Đức Nhuệ dành một sự khuyến khích cao cho Quang, nhất là trong bối cảnh nhiều thanh, thiếu niên dường như "quay lưng" với lịch sử đất nước. “Nên cố gắng khắc phục để có chất lượng hình ảnh cao hơn nữa, tiếp tục truyền tải để các thước phim quý, giá trị tốt đẹp đến nhiều người hơn,” ông gửi gắm mong muốn.

(Vietnam+)