Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh dự báo kinh tế Campuchia trong năm 2020, theo đó nền kinh tế này sẽ giảm 4% thay vì giảm 5,4% như dự báo hồi tháng 6/2020 của ADB, nhờ hiệu suất nông nghiệp được cải thiện và sản xuất hàng hóa phi dệt may tăng.
Báo cáo của ADB cũng kỳ vọng nền kinh tế Campuchia có thể hồi phục với mức tăng trưởng 5,9% trong năm 2021 nhưng cũng nhấn mạnh dự báo này là "rất không chắc chắn" và có thể thay đổi đột ngột do một loạt yếu tố, trong đó có khả năng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở nước này.
Theo ADB, tỷ lệ lạm phát của Campuchia trong năm 2020 ổn định ở mức 2,1% trước khi giảm xuống 1,8% trong năm 2021, do giá dầu thấp làm chi phí sản xuất và đi lại giảm.
[ADB duyệt khoản tín dụng 250 triệu USD giúp Campuchia ứng phó COVID-19]
Về tổng thể, kinh tế khu vực Đông Nam Á dự kiến giảm 3,8% năm 2020, lần giảm đầu tiên trong vòng 6 thập niên trở lại đây, trước khi tăng trưởng trở lại 6,8% năm tới.
Phát biểu trực tuyến ngày 23/9 trong buổi công bố triển vọng tăng trưởng kinh tế tháng 9/2020, Giám đốc quốc gia của ADB tại Campuchia Sunniya Durrani-Jamal cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Campuchia phản ứng tốt với điều kiện kinh tế hiện nay thông qua việc đảm bảo an ninh xã hội và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với cải cách cơ cấu, các biện pháp trên sẽ giảm tác động trực tiếp và gián tiếp của đại dịch COVID-19 đối với các gia đình và doanh nghiệp, đồng thời giúp kinh tế Campuchia mạnh mẽ phục hồi sau đại dịch.
Theo chuyên gia kinh tế của ADB David Freedman, trong bối cảnh ngành du lịch và dệt may của Campuchia giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19 và đơn đặt hàng đồ may mặc từ châu Âu và Bắc Mỹ giảm, sản xuất hàng phi dệt may của Campuchia lại tăng trưởng mạnh, đặc biệt là sản xuất xe đạp và hàng điện tử.
Xuất khẩu nông sản, trong đó có gạo, của Campuchia cũng tăng mạnh và có thể tăng mạnh hơn trong tương lai khi nước này ký các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc và các đối tác tiềm năng khác./.