Moody’s: Kinh tế Campuchia có triển vọng tăng trưởng vững vàng

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia năm 2020 sẽ chỉ vào khoảng 0,3%, do tác động của đại dịch COVID-19, song có thể tăng đến 6% năm 2021.
Moody’s: Kinh tế Campuchia có triển vọng tăng trưởng vững vàng ảnh 1Thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: International Residental)

Trong một báo cáo công bố mới đây tại Singapore, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia năm 2020 sẽ chỉ vào khoảng 0,3%, do tác động của đại dịch COVID-19 và sự suy giảm kinh tế của các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), song kinh tế nước này có thể tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021.

Theo Phó Chủ tịch kiêm chuyên gia phân tích cao cấp của Moody’s, Anushka Shah, kinh tế Campuchia chịu tác động rất lớn từ Trung Quốc do quốc gia này chiếm tới 43% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Campuchia, trong khi 36% du khách nước ngoài đến Campuchia là người Trung Quốc trong năm 2019.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, Campuchia được đánh giá ở mức “ổn định” và “triển vọng tăng trưởng vững”. Ngay trong tháng 5/2020, Campuchia đã thông qua nhiều dự án mới để tạo việc làm cho lao động trong nước.

Theo thông cáo báo chí ngày 22/5 của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), cơ quan này đã thông qua thêm 5 dự án đầu tư mới với tổng vốn lên tới 174,8 triệu USD. Các dự án mới này dự kiến sẽ tạo thêm 2.458 việc làm cho người lao động.

[Campuchia lạc quan dự báo kinh tế nước này sẽ hồi phục hình chữ V]

Cụ thể, các dự án đầu tư mới gồm xây dựng khách sạn 5 sao, sản xuất và lắp ráp tấm thu năng lượng Mặt Trời, lắp đặt trạm điện Mặt Trời, sản xuất hộp cáctông…, do 5 công ty khác nhau triển khai tại các tỉnh Preah Sihanouk, Kampong Speu, Battambang và Svay Rieng.

Vốn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào Campuchia bất chấp đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp đã cho thấy lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế vĩ mô cũng như sự ổn định chính trị và xã hội tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.