Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 13/4, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) khẳng định công việc đào kênh mới chạy song song với tuyến kênh hiện hữu đang được triển khai đúng tiến độ và dự án này sẽ hoàn tất vào tháng 7 tới.
Trong một thông cáo, Giám đốc SCA, Đô đốc Mohab Mamish cho biết giai đoạn sắp tới của dự án trên sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn so với giai đoạn trước đó, song nhấn mạnh những ngày tới sẽ chứng minh rằng người Ai Cập có thể vượt qua những thách thức như vậy và tạo ra "lịch sử mới."
Theo ông Mamish, hiện các công việc chuẩn bị đang được tiến hành cho lễ khai trương kênh đào Suez mới vào tháng 8 tới, thời hạn chót được Tổng thống Fattah el-Sisi công bố trong lễ khởi công vào đầu tháng 8/2014.
Đến nay, hơn 131 triệu khối đất cát pha nước đã được nạo vét. Hiện 37 tàu hút đang hoạt động trên công trường với tốc độ đào đạt khoảng 1,5 triệu khối/ngày.
Dự án đào kênh Suez mới là một trong các công trình trọng điểm quốc gia được chính quyền của Tổng thống el-Sisi tập trung triển khai nhằm vực dậy nền kinh tế quốc gia sau nhiều năm bất ổn chính trị.
Trước đó, ngày 18/10/2014, Chính phủ Ai Cập đã ký hợp đồng đào kênh Suez mới với 6 công ty quốc tế gồm Công ty Nạo vét đường biển quốc gia của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Công ty Royal Boskalis Westminster và Công ty Van Oord của Hà Lan, Tập đoàn Jan de Nul và Tập đoàn Deme của Bỉ, và Công ty Great Lakes Dredge & Dock của Mỹ.
Theo SCA, các công ty này tham gia đào kênh tại 5 khu vực, trong khi khu vực còn lại sẽ do các công ty của Ai Cập đảm nhận.
Kênh Suez mới có tổng chiều dài 72 km, chạy song song với tuyến kênh hiện tại.
Theo tính toán ban đầu, sau khi được hoàn thành và đi vào hoạt động, kênh đào mới sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, nhờ đó tăng gấp 4 lưu lượng vận chuyển container.
Ai Cập kỳ vọng nâng doanh thu từ kênh Suez lên 13,5 tỷ USD vào năm 2023.
Bên cạnh việc mở rộng cảng Suez và hệ thống cơ sở vận chuyển hàng hóa, dự án còn hướng tới việc nâng cao vị thế quốc tế của Ai Cập trong vai trò là trung tâm công nghiệp và hậu cần lớn của thế giới, thông qua việc phát triển khu vực hành lang có tổng diện tích hơn 76.000 km2 nằm dọc tuyến đường thủy chiến lược này.
Chính thức mở cửa từ năm 1869, kênh đào Suez hiện tại dài 163 km, nối Địa Trung Hải với biển Đỏ, kết nối châu Âu, châu Á và khu vực châu Phi-Trung Đông.
Nằm trên tuyến giao thương quốc tế lớn, kênh Suez là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập bên cạnh du lịch, xuất khẩu dầu khí và kiều hối.
Mỗi năm, ước tính khoảng 7,5% khối lượng mậu dịch thế giới qua đường biển được chuyển qua kênh đào Suez, mang lại cho Ai Cập hơn 5 tỷ USD, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu ngoại tệ của đất nước./.