Ai Cập xem xét khả năng nhập khẩu khí đốt từ Israel

Ngày 14/1, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Sherief Ismail cho biết nước này có khả năng sẽ nhập khẩu khí đốt từ Israel để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Ai Cập xem xét khả năng nhập khẩu khí đốt từ Israel ảnh 1Giàn khoan của Ai Cập (Nguồn: israelnationalnews.com)

Ngày 14/1, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Sherief Ismail cho biết nước này có khả năng sẽ nhập khẩu khí đốt từ Israel để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Bộ trưởng Sherief Ismail nhấn mạnh: "Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Vấn đề nhập khẩu khí đốt từ Israel sẽ được quyết định phù hợp với lợi ích tốt nhất của Ai Cập và lợi ích tốt nhất của nền kinh tế, cũng như phục vụ cho vai trò của Ai Cập trong khu vực".

Ai Cập đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và đang tìm kiếm các nguồn cung khí đốt, trong đó có Algeria, Nga và Cyprus. Tuy nhiên, nhập khẩu khí đốt từ Israel lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi do tâm lý hoài nghi của dân chúng sau ba cuộc chiến tranh với Nhà nước Do Thái và việc Tel Aviv tiếp tục chiếm giữ các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Ai Cập đã ký thỏa thuận xuất khẩu khí đốt sang Israel vào năm 2005 dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Sau khi nhà lãnh đạo này bị lật đổ hồi đầu năm 2011, ngày càng có nhiều người yêu cầu Cairo hủy bỏ thỏa thuận gây tranh cãi này. Tháng 4/2012, công ty khí đốt nhà nước của Ai Cập đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang Israel.

Tháng 4/2014, Nội các Ai Cập đã phủ nhận việc nhập khẩu khí đốt từ Israel và cho rằng đây chỉ là "tin đồn" trên báo và các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tháng 10/2014, phát ngôn viên của các công ty sở hữu mỏ khí đốt ngoài khơi Tamar ở Israel cho biết công ty này sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ai Cập theo hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD.

Tuyên bố cho biết Tamar đang tiến hành các "cuộc thương lượng độc quyền" với Tập đoàn Dolphinus Holdings của Ai Cập để cung cấp khoảng 2,5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian bảy năm. Theo đó, khí đốt tự nhiên được khai thác từ mỏ Tamar sẽ được xuất khẩu sang Ai Cập theo chính đường ống dẫn trên Địa Trung Hải vốn được Cairo sử dụng để xuất khẩu khí đốt sang Israel và Jordan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.