Amazon tập trung 5 mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia Amazon bán hàng tăng trưởng lên tới 80%, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam qua Amazon tăng trưởng 45%.
Amazon tập trung 5 mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1Sự phát triển của các dịch vụ hậu cần giúp các doanh nghiệp nâng cao kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Với tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số nhiều năm qua, giới chuyên gia nhận định trong 5 năm tới, xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam có thể cán mốc con số 300.000 tỷ đồng.

Để hiện thực mục tiêu trên, phóng viên đã trao đổi với ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam các giải pháp cũng như tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này nhằm giúp các doanh nghiệp có sự bứt phá vững chắc trong lĩnh vực này.

Dư địa khai thác thương mại điện tử rất lớn

- Amazon bình luận thế nào về bức tranh thương mại điện tử Việt Nam và tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi này?

Ông Gijae Seong: Trong báo cáo mới đây của bên thứ 3 (phía Amazon sắp xuất bản) cho thấy, năm 2022, giá trị xuất khẩu bán lẻ qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam ước đạt trên 80.000 tỷ đồng.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự hỗ trợ toàn diện hơn và thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử vào xuất khẩu, dự kiến tổng doanh thu, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua thương mại điện tử trong 5 năm tới (năm 2027) có thể đạt 300.000 tỷ đồng.

[Doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử có thể đạt 296 nghìn tỷ đồng]

Như vậy, dư địa mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác lĩnh vực này còn rất lớn và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ, trong đó có Amazon Global Selling là làm sao để thúc đẩy, trang bị đầy đủ kiến thức, công cụ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ thúc đẩy và cùng với nền kinh tế trong nước có thể đạt tới kim ngạch 300.000 tỷ đồng giống như nghiên cứu mà một Công ty đã công bố.

Một điểm nữa, nói riêng về Amazon, năm 2022 đã xuất bản một báo cáo tổng kết hoạt động cho thấy, năm 2022 vẫn là năm rất nhiều thách thức (đại dịch COVID-19 và nhiều biến động trên toàn cầu) nhưng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia Amazon bán hàng tăng trưởng lên tới 80% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam qua Amazon tăng trưởng 45%.

Thông qua các con số trên cho thấy sự phát triển về thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua và tương lai phía trước như thế nào.

Mặt khác, lợi ích của thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại cho doanh nghiệp và vì sao họ phải nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng này. Đầu tiên là giúp doanh nghiệp có thể số hóa nhanh hơn và trong kỷ nguyên này, kể cả cá nhân hay doanh nghiệp đều cần số hóa và thông qua việc này có thể nhanh chóng nắm bắt được xu hướng, thông tin của khách hàng trên toàn cầu (nhu cầu của người tiêu dùng bản địa).

Đơn cử, nếu làm thị trường, mở thị trường ở các kênh mới như Mỹ, châu Âu, làm sao doanh nghiệp có thể hiểu khách hàng cần cái gì, sản phẩm họ cần tính năng gì? Như vậy, thông qua các công cụ trên Amazon, cụ thể hơn là thông qua các công cụ số hóa, doanh nghiệp có thể nắm bắt được những nội dung này nhanh chóng và kịp thời để cải tiến về sản phẩm và cải tiến về tiếp cận thị trường nhanh hơn.

Amazon tập trung 5 mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ảnh 2Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả bán hàng qua thương mại điện tử. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thứ hai là việc toàn cầu hóa, thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới thì câu chuyện chuyển đổi số và toàn cầu hóa cùng cộng hưởng lại, qua đó giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn, toàn cầu hóa nhanh hơn.

Xin nhấn mạnh là không chỉ toàn cầu hóa cho sản phẩm mà thông qua Amazon còn toàn cầu hóa thương hiệu của các doanh nghiệp. Phía Amazon luôn khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi tư duy, cách làm, không chỉ thế mạnh về sản xuất gia công mà cần tận dụng về xây dựng thương hiệu để các sản phẩm của mình có giá trị cao hơn sức bền dài hơn với sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới.

Xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hàng hóa Việt Nam

- Như ông vừa nói, thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam có thể đạt tới 300.000 tỷ đồng đến năm 2027, như vậy sẽ cần chính sách gì để đạt con số này?

Ông Gijae Seong: Dung lượng 300.000 tỷ đồng này không phải chỉ đóng góp của Amazon mà còn cả các đơn vị khác trên thị trường. Về phía Amazon sẽ tập trung vào 5 mục tiêu chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, làm sao để tăng nhận thức được mức độ nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về các cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới và tăng được sự sẵn sàng của các doanh nghiệp cho sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới này bằng cách là Amazon hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các Hiệp hội, ban, ngành để có thể phổ biến các cơ hội này.

Tiếp đến là tăng cường hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Mục tiêu trọng tâm chiến lược trong năm nay là thúc đẩy sự phát triển, xây dựng thương hiệu toàn cầu cho hàng hóa Việt Nam bằng cách xây dựng các câu chuyện thành công của chủ thương hiệu trên Amazon qua đó truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Cùng với đó, giúp doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn khi họ phát triển với qui mô toàn cầu, đặc biệt là vấn đề hậu cần và chi phí của các doanh nghiệp và Amazon khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các công cụ có sẵn của Amazon, kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện chuỗi hậu cần nhằm tối ưu hóa chi phí cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu online.

Ngoài ra, Amazon đang kết nối và xây dựng các cộng đồng nhà bán để giúp doanh nghiệp có thể nhận các lời khuyên, sự chia sẻ trong việc kinh doanh.

Amazon tập trung 5 mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ảnh 3Amazone đưa ra 5 mục tiêu chiến lược năm 2023 để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Với các mục tiêu chiến lược trên, Amazon hy vọng có thể đóng góp vào việc trang bị kiến thức, nâng cao sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng nhau đạt tới mốc đáng mơ ước cho thị phần của thương mại điện tử, đóng góp vào xuất khẩu của Việt Nam.

- Chúng ta đang trong xu thế xuất khẩu truyền thống sang xuất qua thương mại điện tử, vậy để thúc đẩy lĩnh vực này theo ông cần có những chính sách nào?

Ông Gijae Seong: Có thể thấy, Việt Nam còn rất mới trong việc chuyển đổi từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online, mặc dù mới ở thị trường Việt Nam trong 3 năm song Amazon đánh giá vẫn cần sự trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp khi xuất khẩu online.

Vì vậy, để hoàn thiện hóa về mặt chính sách, Amazon đã có các công cụ, thậm chí thông qua các hội nghị để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu online về các qui định mà họ có thể gặp phải, qua đó tổng kết và cùng chia sẻ và cung cấp ngược lại với các cơ quan chức năng để cùng tìm ra các giải pháp hoàn thiện chính sách.

Phía Amazone cũng chia sẻ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các cơ quan cùng hợp tác những chính sách hoặc môi trường tham chiếu các quốc gia đã đi trước (như Trung Quốc đã làm từ năm 2013) họ đã có thời gian để hoàn thiện chính sách và luật định, nhằm cùng nhau xây dựng và hoàn thiện hoá môi trường để xuất khẩu online, để trong một vài năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thấy được việc tuân thủ chặt chẽ và rõ ràng hơn.

- Xin cảm ơn ông./.

Tại Hội nghị Thương mại Điện tử xuyên biên giới với tên gọi “Tinh hoa châu Á, bứt phá toàn cầu” do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling tổ chức sáng 7/6 tại Hà Nội đã đưa ra báo cáo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ để đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử trong việc xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.

“Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” là một sáng kiến do Amazon khởi xướng, được Bộ Công Thương bảo trợ về nội dung, phối hợp cùng với các đối tác khác. Chương trình sẽ giúp các các doanh nghiệp, người kinh doanh, nguồn nhân lực trẻ trên toàn Việt Nam có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.