Ấn Độ chi mạnh tháo gỡ tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp

Ấn Độ đang đứng trước cuộc khủng hoảng nước kéo dài và nghiêm trọng nhất trong lịch sử do cầu vượt cung, có nguy cơ tác động tới sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế của nước này.
Người dân đi bộ dưới tiết trời nắng nóng ở Churu, bang Rajasthan, Ấn Độ ngày 4/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đi bộ dưới tiết trời nắng nóng ở Churu, bang Rajasthan, Ấn Độ ngày 4/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/12, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố kế hoạch trị giá 60 tỷ rupee (khoảng 842 triệu USD) để giải quyết tình trạng thiếu nước tại 7 bang sản xuất nông nghiệp chủ chốt của nước này.

Kế hoạch trên được công bố trong bối cảnh nước đông dân thứ hai thế giới này đang đứng trước cuộc khủng hoảng nước kéo dài và nghiêm trọng nhất trong lịch sử do cầu vượt cung, có nguy cơ tác động tới sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế của nước này.

Theo Thủ tướng Modi, tình trạng thiếu nước tại Ấn Độ không những tác động tới từng cá nhân và hộ gia đình mà còn ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của đất nước.

Ông nhấn mạnh chính phủ và người dân cần chuẩn bị để đối phó với từng khía cạnh tiêu cực của cuộc khủng hoảng nước.

Kế hoạch được Thủ tướng Modi công bố sẽ giúp khôi phục nguồn nước ngầm và giải quyết tình trạng thiếu nước tại các bang Rajasthan, Karnataka, Haryana, Punjab, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh, Maharashtra và Gujarat, vốn là những bang sản xuất lương thực chính của Ấn Độ.

[Các thủy vực nước ngọt ở châu Âu đang đối mặt nguy cơ nghiêm trọng]

Hầu hết các ngành trong nền kinh tế Ấn Độ đều phụ thuộc vào nước, nhất là nông nghiệp, ngành tạo sinh kế cho khoảng 70% trong tổng số 1,3 tỷ dân nước này.

Ấn Độ là nước sản xuất nhiều mặt hàng nông nghiệp hàng đầu thế giới và gần 60% hệ thống tưới tiêu trong nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngầm, chủ yếu qua máy bơm nước bằng điện.

Việc Chính phủ trợ giá điện cho người nông dân có thể là một lý do khiến lượng nước ngầm của nước này sụt giảm nhanh chóng.

Cung cấp nước sạch cho hàng triệu người nghèo và khôi phục các dự án tưới tiêu là nội dung chính trong các chính sách của Thủ tướng Modi.

Tại Ấn Độ, mùa mưa hằng năm cung cấp gần 70% lượng nước phục vụ nông nghiệp và bổ sung nước ngầm và cấp nước cho các hồ chứa.

Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp của Ấn Độ không được trang bị hệ thống tưới tiêu nên phụ thuộc hoàn toàn vào lượng mưa trong giai đoạn từ tháng Sáu đến tháng Chín hằng năm để trồng một số loại cây lương thực.

Theo Viện Quốc gia về thay đổi Ấn Độ (NITI) Aayog, một tổ chức tư vấn do Thủ tướng Modi làm chủ tịch, nước sạch cũng là một vấn đề mà chính phủ cần phải giải quyết trong bối cảnh khoảng 200.000 người dân nước này tử vong mỗi năm do không được tiếp cận nước sạch và 600 triệu người đối mặt với mối đe dọa thiếu nước ở mọi cấp độ.

Tổ chức từ thiện WaterAid có trụ sở tại Anh cho biết khoảng 163 triệu người ở Ấn Độ, chiếm khoảng 12% dân số nước này, không được tiếp cận với nước sạch ở gần nhà.

Tình trạng thiếu nước vào mùa Hè có xu hướng ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn của Ấn Độ như thủ đô New Delhi, Chennai, Bengaluru...

Thủ tướng Modi cũng kêu gọi người nông dân tăng cường áp dụng phương pháp tưới cây nhỏ giọt và các công nghệ quản lý nước cũng như tránh trồng các loại cây cần nhiều nước như lúa và mía đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.