Ấn Độ nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu bông sang Việt Nam và Bangladesh

Ấn Độ đang xúc tiến một bản ghi nhớ để xuất khẩu 1,5-2 triệu kiện bông (mỗi kiện 170kg) sang Bangladesh, trong khi CCI cũng sẽ thiết lập một nhà kho tại Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu bông.
Ấn Độ nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu bông sang Việt Nam và Bangladesh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: in.fashionnetwork.com)

Tổng Công ty Bông Ấn Độ (CCI) đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu bông sang các nước Bangladesh và Việt Nam, trong bối cảnh lượng bông dự trữ của doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước này đang dư thừa trước mùa thu hoạch tiếp theo.

Mạng Economic Times ngày 27/7 đưa tin Ấn Độ đang xúc tiến một bản ghi nhớ để xuất khẩu 1,5-2 triệu kiện bông (mỗi kiện 170kg) sang Bangladesh, trong khi CCI cũng sẽ thiết lập một nhà kho tại Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu bông.

[Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ hậu COVID-19]

Chủ tịch CCI, ông PK Agarwal, nêu rõ: “Chúng tôi đang chuẩn bị ký một biên bản ghi nhớ liên chính phủ với phía Bangladesh để xuất khẩu khoảng 1,5-2 triệu kiện bông sang nước này. Để tăng xuất khẩu sang Việt Nam, chúng tôi đang tìm kiếm một nhà kho nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển và cung cấp bông cho người mua ở Việt Nam."

CCI đã mua gần 1/3 sản lượng bông của Ấn Độ trong niên vụ 2019-2020, tương đương 12,1 triệu kiện.

Trong số đó, cùng với đại lý của hãng là Liên đoàn tiếp thị hợp tác xã bang Maharashtra, CCI đã có thể bán được 900.000 kiện bông trong vụ bông hiện tại, kết thúc vào ngày 30/9 tới.

Các nước như Bangladesh, Việt Nam và Sri Lanka có thể tiếp cận miễn thuế các thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.

Điều này mang lại lợi thế cho họ so với các nhà xuất khẩu xơ sợi và may mặc Ấn Độ, vốn phải chịu nhiều mức thuế khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.