Ấn Độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.400 tỷ USD

Chính phủ Ấn Độ hy vọng nguồn đầu tư khổng lồ này sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và góp phần hiện thực hóa tham vọng trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2024-2025.
Ấn Độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.400 tỷ USD ảnh 1Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman. (Nguồn: NDTV)

Ấn Độ đã công bố một hệ thống các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.400 tỷ USD sẽ được thực hiện trong 5 năm tới.

Các dự án này sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và góp phần hiện thực hóa tham vọng của chính phủ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vào năm 2024-2025.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 31/12, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nêu rõ các dự án được chia thành hai nhóm lớn, gồm cơ sở hạ tầng kinh tế và cơ sở hạ tầng xã hội, để tạo thuận lợi cho cả kinh doanh lẫn cuộc sống của người dân.

Trong hệ thống các dự án cơ sở hạ tầng trên, ngành năng lượng chiếm 24%, tiếp theo là đường bộ 19%, phát triển đô thị 16% và đường sắt 13%.

[Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng thấp nhất trong hơn nửa thập kỷ]

Các dự án cơ sở hạ tầng nông thôn và xã hội (ba gồm y tế, giáo dục và nước uống) lần lượt chiếm 8% và 3%.

Chính phủ Ấn Độ hy vọng nguồn đầu tư khổng lồ này sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống chỉ còn 4,5% trong quý kết thúc vào tháng 9/2019, chậm nhất trong 6 năm và là quý giảm thứ sáu liên tiếp.

Bộ Tài chính Ấn Độ đã triển khai 32 biện pháp kể từ tháng Tám vừa qua để thúc đẩy nền kinh tế, kể cả cắt giảm thuế doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư và giải ngân các khoản vay ngân hàng để kích cầu.

Bộ trưởng Sitharaman cho biết thêm các doanh nghiệp tư nhân sẽ chiếm từ 22-25% các khoản đầu tư. Số còn lại do chính phủ trung ương và chính quyền các bang gánh vác.

Theo một báo cáo của Bộ Tài chính Ấn Độ, trong tổng vốn đầu tư dự kiến 1.400 tỷ USD, các dự án trị giá gần 600 tỷ USD (chiếm 42%) đang được triển khai, các dự án trị giá khoảng 500 tỷ USD (32%) đang trong giai đoạn hình thành ý tưởng và phần còn lại đang được phát triển.

Trong thập niên trước đó, từ năm 2008-2017, Ấn Độ đã đầu tư khoảng 1.100 USD vào cơ sở hạ tầng.

Ông Niranjan Hiranandani, Chủ tịch Hiệp hội Các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), đánh giá các dự án cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, hỗ trợ các ngành công nghiệp liên quan, phù hợp với những động thái tích cực khác mà Chính phủ Ấn Độ công bố gần đây và sẽ sớm được chứng kiến những hiệu ứng tích cực từ các biện pháp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.