Gần đây, trang mạng của tạp chí Modern Diplomacy đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Ấn Độ" của giáo sư Pankaj Jha, hiện làm việc tại trường Đại học toàn cầu Jindal. Nội dung bài viết như sau:
Các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc khu vực giữa Ấn Độ và các quốc gia/tổ chức khác luôn phải đối mặt với sự phản đối ở trong nước vì lo ngại rằng hàng hóa nhập khẩu giá thấp sẽ cản trở sự tăng trưởng của ngành công nghiệp nội địa.
Lý do đưa ra cho lo ngại này là nền công nghiệp trong nước vẫn chưa chuẩn bị cho cạnh tranh quốc tế và chính phủ không có trợ cấp hay hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa để giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa xuất khẩu.
Ở Ấn Độ, các hiệp hội ngành cụ thể có nhiều quyền lực và kết quả là nhiều mặt hàng như chè, dầu cọ, cà phê và tiêu đã được ghi nhận là mặt hàng có độ nhạy cảm cao (ít được giảm thuế) vào thời điểm Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ được ký kết năm 2009.
Tốc độ tăng trưởng trong ngành dịch vụ (đóng góp gần 2/3 GDP) của Ấn Độ đang phát triển khá nhanh, vì vậy chính phủ New Delhi luôn tìm cách bù đắp các số liệu tiêu cực trong thương mại hàng hóa bằng việc thúc đẩy ngành dịch vụ và đầu tư, xem đó là một thành phần không thể tách rời của đàm phán thương mại song phương hoặc đa phương.
RCEP được xây dựng với mục tiêu trở thành một khu vực thương mại tự do, với khoảng 3,4 tỷ dân cư Đông Á và châu Đại Dương, GDP hơn 22.000 tỷ USD và thương mại nội khối RCEP có thể chiếm hơn 30% thương mại toàn cầu bởi sự đóng góp của 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Đối với Ấn Độ, việc gia nhập khối kinh tế này sẽ mở ra thị trường lớn với 1,25 tỷ người cho các sản phẩm từ 15 quốc gia bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác đối thoại: Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong một vài cuộc đàm phán gần đây về RCEP, Ấn Độ đã nói rõ sẽ không thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến thương mại dịch vụ và nhắc đến những lo ngại liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại cho các nước ASEAN và 6 đối tác đối thoại một không gian kinh tế và địa lý lớn để có thể trở thành một trong những khối kinh tế lớn nhất trên thế giới. Ấn Độ đã ký các hiệp định thương mại tự do hoặc hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện/hiệp định đối tác (CECA/CEPA) với Thái Lan, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc; và hiện đàm phán các điều khoản thương mại tự do song phương cùng thỏa thuận về ngành dịch vụ với Australia và New Zealand.
[16 quốc gia thông qua Tuyên bố chung về đàm phán RCEP]
Ấn Độ bắt đầu quá trình tự do hóa kinh tế vào đầu năm 1992 nhưng vẫn chưa hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu do các vấn đề nội tại liên quan đến cấu trúc thuế quan, thủ tục hải quan và vấn đề hành chính quan liêu.
Tuy nhiên, sẽ là không công bằng khi cáo buộc Ấn Độ về những nỗ lực thất bại liên quan đến thương mại tự do và các điều khoản thương mại tốt hơn với các nước khác trên khắp châu Á. Ấn Độ đã không đạt được lợi thế trong khi giao dịch với các nền kinh tế cạnh tranh về giá của khu vực châu Á.
Ngược lại, các trung tâm sản xuất có chi phí thấp, đặc biệt là Trung Quốc, phát triển mạnh về sản xuất được nhà nước trợ cấp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Ấn Độ trong khi bản thân quốc gia này không trao quyền ưu tiên cho ngành xuất khẩu của Ấn Độ.
Các rào cản thuế quan và phi thuế quan ở Trung Quốc vẫn không có lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ dẫn đến cán cân thương mại bị lệch.
Sau hội nghị thượng đỉnh Vũ Hán gần đây, chính phủ Trung Quốc đã mở cửa thị trường dược phẩm của mình cho các loại thuốc Ấn Độ như thuốc chống ung thư và các loại thuốc cứu sinh khác tương đối rẻ hơn so với nhập khẩu phương Tây. Trung Quốc đã loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 28 loại thuốc từ Ấn Độ.
Ngành công nghiệp Ấn Độ đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thừa nhận thực tế là nguyên liệu đầu vào rẻ tiền của Trung Quốc trong các lĩnh vực như thép, dược phẩm và các ngành công nghiệp liên quan khác đã giúp giảm chi phí và gián tiếp thúc đẩy lĩnh vực bất động sản, phụ tùng ôtô và dệt may.
Thực tế, các mâu thuẫn thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tồn tại khi Ấn Độ đã đệ trình WTO một số vụ kiện chống bán phá giá và không công bằng chống lại Trung Quốc.
Các nhà công nghiệp lớn không ủng hộ việc mở cửa thị trường Ấn Độ bởi họ cảm thấy trong tương lai họ dễ bị đe dọa bởi các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc (cả nguyên liệu và bán thành phẩm) có thể cản trở kế hoạch mở rộng thị trường của họ thông qua các sản phẩm mới.
Những nhà công nghiệp lớn này vốn có ảnh hưởng nhất định đối với chính trị Ấn Độ thông qua các quỹ gắn với các chính đảng.
Để tăng cường thương mại với các nước ở Đông Á và châu Đại Dương, Ấn Độ đã cố gắng áp dụng các phương thức sản xuất quốc tế và tham gia chuỗi giá trị khu vực (RVC).
Tuy nhiên, các biện pháp tự do hóa thị trường và các nỗ lực thúc đẩy thị trường khác của Ấn Độ chưa sánh kịp với khu vực.
Ấn Độ vẫn chưa được tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) - một diễn đàn có thể giúp Ấn Độ chuẩn bị tốt cho việc chuẩn hóa kinh doanh và xây dựng các điều khoản thuế phù hợp. Việc tham gia APEC cũng có thể làm nền tản để Ấn Độ triển khai hiệu quả các điều khoản thương mại của RCEP.
Các nhà đàm phán Ấn Độ cho rằng cho đến khi và chỉ khi nhu cầu về thương mại dịch vụ, đầu tư và các mối quan tâm liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ được giải quyết, RCEP mới thoát khỏi bế tắc.
Việc mở cửa lĩnh vực dịch vụ sẽ giúp nền kinh tế Ấn Độ và bù đắp một phần ảnh hưởng từ các sản phẩm giá rẻ từ các trung tâm sản xuất và xuất khẩu tương đối rẻ hơn. Nền kinh tế Ấn Độ vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ là những vấn đề không thể sớm ngã ngũ.
Vẫn có những hy vọng rằng RCEP sẽ được ký kết vào năm 2019, song Ấn Độ chỉ có thể thông qua RCEP sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019 khi Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi tìm cách cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ hai để tiếp tục thúc đẩy các cải tổ kinh tế và tài chính.
Nếu chính phủ liên minh lên nắm quyền, các cuộc đàm phán RCEP sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng bởi nguy cơ nhiều hiệp hội và nhóm vận động hành lang tìm cách tác động tới chính trị để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình./.