Thực phẩm bẩn luôn là một vấn đề nhức nhối của dư luận và cũng là đề tài nóng được tranh luận tại nghị trường Quốc hội.
Theo đại biểu Huỳnh Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), những người vi phạm sử dụng "trăm phương nghìn kế", chớp thời cơ để làm ăn gian dối và dường như đang có một "cuộc chiến không cân sức" giữa người vi pham và lực lượng chức năng trong vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, đại biểu Huỳnh Khánh Phong Lan đã có một số trao đổi thẳng thắn về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay.
- Thưa bà, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng nhiều và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, vậy việc kiểm soát an toàn thực phẩm đang gặp phải những khó khăn, bất cập gì?
Đại biểu Huỳnh Khánh Phong Lan: Tôi cảm thấy dường như đang có một cuộc chiến không cân sức giữa những người vi phạm về an toàn thực phẩm và người đi xử phạt, chúng ta vẫn luôn phải chạy theo, không chủ động được.
Thực tế, những người vi phạm thì sử dụng trăm phương nghìn kế, chớp thời cơ để làm ăn gian dối nhưng lực lượng thanh tra xử phạt thì lại rất vướng trong kiểm tra và xử lý.
Trong báo cáo giám sát của Quốc hội cũng cho thấy, trong các cuộc thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm thì vẫn chủ yếu là kiểm tra giấy tờ, kiểm tra hồ sơ xem đủ hay không, còn thực chất vi phạm đến đâu và thực phẩm đó có an toàn hay không thì về mặt vật chứng lẫn định lượng vẫn còn hạn chế.
Trong luật hình sự sửa đổi bổ sung lần này đã đưa ra quy định và các hình thức để xử lý về an toàn thực phẩm, mặc dù mức xử phạt cũng mang tính răn đe và khung xử phạt cao nhất lên đến chung thân, nhưng thực tế thời gian qua, số lượng các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm bị khởi tố hình sự rất ít.
Về quản lý thực phẩm chỉ có hai vấn đề, đầu tiên cần xem xét là chúng ta đã làm được những gì để ngăn chặn thực phẩm bẩn và mặt khác chúng ta đã làm được gì để khuyến khích thực phẩm sạch.
Trên giấy tờ và văn bản pháp luật tương đối đầy đủ nhưng khi áp dụng vẫn còn khó khăn, chưa kể là khó khăn từ lực lượng thanh tra, kiểm tra, quản lý về an toàn thực phẩm có sự chênh lệch giữa các địa phương cũng như phối hợp rất khó khi một lĩnh vực mà có nhiều bộ cùng quản lý như hiện nay.
- Với kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh, việc giảm sát và quản lý an toàn thực phẩm được thực hiện ra sao, thưa bà?
Đại biểu Huỳnh Khánh Phong Lan: Chúng ta đang mắc “căn bệnh” cái gì tốt thì xuất khẩu đi, còn "không đủ chuẩn” thì để lại nhà dùng, theo tôi phải thay đổi nhận thức này. Khi đi khảo sát thực tế tại các chợ, tôi nhận thấy giá thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng trong nước có khi còn đắt hơn tại một số nước.
Ngoài ra, Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều các loại nông sản, thực phẩm mà trong nước có thể sản xuất được, khiến người tiêu dùng thiếu sự tin tưởng hàng nông sản trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những người thiếu trách nhiệm với cộng động thì vẫn còn rất nhiều người tìm tòi để đưa ra những thực phẩm an toàn. Thể hiện ở những chuỗi an toàn, cách thức kinh doanh hiện đại.
Ví dụ, tại các siêu thị đã có thương hiệu, luôn có hệ thống kiểm soát nhằm bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình. Về phía thành phố, các cơ quan chức năng đang tập trung kiểm soát nguồn thực phẩm đến từ các chợ đầu mối, rồi từ đó mới đi về các chợ trong thành phố.
Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Nhưng tôi tin chúng ta sẽ làm được, vì nếu không thì “chẳng còn gì để nói” khi bản thân Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản, nhưng người dân lại không yên tâm sử dụng nông sản của mình.
Đây là câu hỏi rất nhức nhối và phải giải quyết bằng được thực trạng này. Vấn đề cấp bách bây giờ là phải giải quyết triệt để thực phẩm không an toàn, không thể để tình trạng cứ thấy vấn đề gì nhức nhối thì hô hào kêu gọi, nhưng cũng chỉ được thời gian đầu rồi sau lại “đâu vào đấy”.
- Mức xử phạt theo thống kê cho thấy còn nhẹ, liệu có phải đây là kẽ hở dẫn đến khó kiểm soát thực phẩm bẩn, thưa bà?
Đại biểu Huỳnh Khánh Phong Lan: Nâng mức xử phạt cũng không phải là giải pháp tối ưu, tôi cũng không loại trừ cơ chế có thể phát sinh tiêu cực, có sự "bắt tay" giữa người đi xử phạt và người vi phạm.
Vấn đề không phải ở mức xử phạt mà là phát hiện ra các vụ việc. Như tôi nói ở trên, quá trình kiểm tra vẫn chỷ yếu là kiểm tra hồ sơ, có đủ giấy tờ hay không, chuyện đó không nói lên điều gì cả.
Việc nắm bắt thực tế không chỉ dừng ở việc lập ra kế hoạch kiểm tra, làm định kỳ bao nhiêu lần, nếu cứ dập khuôn như vậy thì chắc chắn sẽ không có hiệu quả mà phải đầu tư và quan tâm nhiều hơn tới lực lượng thanh tra, theo tôi lực lượng này phải chuyên nghiệp và có tâm để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm bẩn.
Ngoài việc thanh tra thì việc quan trọng nữa là phải tăng cường công tác hậu kiểm. Chúng ta không nên chỉ dừng ở việc cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh, mà phải có lực lượng để hậu kiểm xem việc tuân thủ pháp luật như thế nào.
- Xin cảm ơn bà./.