Càng gần dịp Tết Nguyên đán thì nhu cầu tiêu dùng và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm ngày càng tăng cao, nguồn cung cũng dồi dào để đáp ứng yêu cầu này. Việc kiểm soát và ngăn chặn được các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn rất cần có sự đóng góp trách nhiệm của toàn cộng đồng.
Thông điệp này vừa được đưa ra trong Chương trình Giao lưu trực tuyến về vấn đề an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (18/1), tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng về an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính vẫn là cơ quan chức năng, tuy nhiên Luật an toàn thực phẩm đã quy định người sản xuất và người kinh doanh là đối tượng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sản phẩm của mình và người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm.
“Trách nhiệm của người tiêu dùng là sử dụng thực phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, phải đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng cũng phải đấu tranh và tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo an toàn.
"Vì vậy, chúng ta đưa khẩu hiệu chung, đặc biệt trong dịp Tết này là cộng đồng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm với sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng,” ông Phong nêu rõ.
Theo ông Phong, từ nay tới giáp Tết, công tác thanh tra kiểm tra chắc chắn sẽ được tăng cường. Liên Bộ cũng yêu cầu các địa phương khi phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm và công khai các sản phẩm vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng. Với nỗ lực đó, hy vọng các nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ giảm bớt, người tiêu dùng sẽ được đón Tết an toàn và đảm bảo sức khỏe.
Phát biểu tại Chương trình trực tuyến, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ rõ, Bộ xác định phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi là một trong những định hướng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Đồng thời Bộ cũng chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, từ giờ đến cuối năm không thanh kiểm tra theo kế hoạch. Các vụ vi phạm an toàn thực phẩm vừa qua, chủ yếu phát hiện nhờ việc thanh kiểm tra đột xuất và có nguồn thông tin của người dân qua đường dây nóng của Bộ,” ông Việt nhấn mạnh.
Ông Việt cũng cho rằng, các đoàn thanh tra tập trung thanh, kiểm tra những loại sản phẩm nào được người dân tiêu thụ lớn ở các thành phố lớn, chợ đầu mối, các địa điểm tập trung chuyển các nguồn hàng đi về các tỉnh, cửa khẩu, kết hợp lấy mẫu để có thể xử lý luôn tại chỗ. Đây là hoạt động chủ yếu trong chỉ đạo dịp tết năm nay.
Mặt khác, liên ngành bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương cũng đã ban hành kế đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2016, lễ hội mùa Xuân 2016.
Các đơn vị trên sẽ tăng cường hoạt động thanh tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố… những nhóm hàng trong dịp Tết tiêu thụ mạnh./.