Anh: British Steel phá sản, 5.000 người có nguy cơ mất việc

Công ty thép British Steel bị buộc phải phát mãi khiến 5.000 công nhân viên đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm và số phận của 20.000 việc làm khác trong chuỗi cung ứng liên quan cũng bị ảnh hưởng.
Anh: British Steel phá sản, 5.000 người có nguy cơ mất việc ảnh 1Nhà máy thép của Anh ở Scunthorpe, Lincolnshire. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Việc công ty thép của Anh có tên British Steel bị đặt trong tình trạng buộc phải phát mãi đã khiến 5.000 công nhân viên của công ty đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm và ảnh hưởng đến số phận của 20.000 việc làm trong chuỗi cung ứng liên quan.

Theo phóng viên TTXVN tại London, quyết định phát mãi được đưa ra khi cuộc đàm phán nhằm cứu vãn tình hình giữa lãnh đạo công ty với chính phủ thất bại.

Hiện, Cơ quan Tiếp nhận chính thức (Official Receiver) của chính phủ đã nắm quyền kiểm soát British Steel theo thủ tục phát mãi.

Việc tìm kiếm đối tác mua lại công ty đang diễn ra. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các công ty con thuộc hãng vẫn diễn ra bình thường.

[Chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ lớn nhất Anh sa thải 1.200 nhân viên]

British Steel có khoảng 5.000 nhân viên, trong đó 3.800 người làm việc tại Anh và số còn lại làm tại Pháp, Hà Lan và rải rác các nơi trên thế giới.

Tổng Giám đốc Liên đoàn Hiệp hội nghề thép của Anh, Roy Rickhuss cho biết tin British Steel phá sản đã khiến công nhân và nhân viên làm việc có liên quan đến British Steel lo lắng.

Tuy nhiên, họ cũng thở phào vì đã kết thúc chuỗi ngày bất ổn định và hy vọng sẽ tìm được một tương lai mới.

Những khó khăn của British Steel được cho là liên quan đến việc các đơn đặt hàng từ các khách hàng châu Âu sụt giảm do tiến trình Brexit không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ngoài ra, công ty còn đối mặt với những tác động do đồng bảng Anh suy yếu và sự leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Bộ trưởng Kinh doanh, năng lượng và công nghiệp Anh Greg Clark cho biết chính phủ sẵn sàng cung cấp tạm thời cho British Steel số tiền là 120 triệu bảng Anh để nâng cấp thiết bị vào tháng Tư tới, nhằm đáp ứng những quy định về khí thải của EU, song nhấn mạnh việc cung cấp tạm khoản tiền này phải tuân thủ theo đúng luật pháp, bất cứ hỗ trợ tài chính nào cho British Steel đều phải dựa trên nguyên tắc thương mại.

Trong khi đó, quan chức phụ trách vấn đề thương mại của Công đảng đối lập Rebecca Long Bailey lên tiếng kêu gọi quốc hữu hóa British Steel, cho rằng "chính phủ cần phải hành động nhanh chóng để cứu ngành công nghiệp chiến lược quan trọng này, cũng như đời sống của những người lao động làm việc cho hãng bằng cách quốc hữu hóa British Steel"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.