Anh chuẩn bị áp đặt kiểm tra hải quan và biên giới đối với hàng hóa EU

Thông tin trên được đưa ra sau khi Anh chính thức rời EU vào lúc 23 giờ ngày 31/1 (giờ GMT - 6 giờ ngày 1/2 - giờ Hà Nội), chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại thủ đô London. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại thủ đô London. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo Telegraph đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị áp đặt kiểm tra hải quan và biên giới đối với tất cả các hàng hóa châu Âu nhập vào Vương quốc Liên hiệp Anh sau khi Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit, với nỗ lực gia tăng sức ép lên EU trong đàm phán về thương mại.

Báo trên dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh cho hay "chúng tôi có kế hoạch kiểm tra đầy đủ đối với tất cả các tờ khai xuất-nhập khẩu, tờ khai an ninh, kiểm tra sức khỏe động vật và toàn bộ hàng hóa siêu thị của EU tại các Trạm kiểm tra biên giới. Điều này sẽ tăng cấp đôi thách thức thực tế tại khu vực biên giới trong tháng 1/2021."

Thông tin này được đưa ra sau khi Anh chính thức rời EU vào lúc 23 giờ ngày 31/1 (giờ GMT - 6 giờ ngày 1/2 - giờ Hà Nội), chấm dứt 47 năm là thành viên của liên minh này.

Một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu… một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự.”

[EU đứng trước nhiều thay đổi lớn sau khi nước Anh rời khỏi liên minh]

Trong thời gian tới, Anh sẽ phải đàm phán với EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận xác định mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Quá trình chuyển tiếp sẽ kéo dài 11 tháng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31/1 cho biết Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng các quan hệ "vững chắc" với Anh sau khi nước này rời khỏi EU.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Pompeo nêu rõ: "Tôi vui mừng khi Anh và EU nhất trí về một thỏa thuận Brexit trong đó đề cao nguyện vọng của người dân Anh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ vững chắc, hữu ích và thịnh vượng với Anh khi họ bước vào giai đoạn phát triển mới này"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.