Anh để mắt tới thương vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard

Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh cho biết thương vụ Microsoft mua lại nhà sản xuất dòng game “Call of Duty” Activision Blizzard có thể dẫn đến giá cả cao hơn, ít lựa chọn hơn cho các game thủ.
Anh để mắt tới thương vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard ảnh 1(Ảnh: Reuters)

Cơ quan giám sát cạnh tranh của Vương quốc Anh ngày 8/2 đã đặt ra một rào cản khác cho thương vụ mua lại nhà sản xuất dòng game đình đám “Call of Duty” Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD của Microsoft, lập luận rằng vụ mua bán có thể tổn hại lợi ích các game thủ bằng cách làm suy yếu sự cạnh tranh giữa máy chơi điện tử Xbox của Microsoft và PlayStation của Sony.

Trong thông báo mới nhất, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) cho biết thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay trong ngành công nghiệp game có thể dẫn đến giá cả cao hơn, ít lựa chọn hơn và ít đổi mới sáng tạo hơn cho hàng triệu người chơi, cũng như làm giảm sự cạnh tranh trong lĩnh vực chơi game trên nền tảng đám mây.

CMA cho biết tựa game "Call of Duty" hàng đầu của Activision Blizzard rất quan trọng trong việc thúc đẩy cạnh tranh giữa các máy chơi game.

Microsoft có thể hưởng lợi từ thương vụ này bằng cách đưa tựa game trở thành độc quyền cho Xbox, hoặc chỉ khả dụng trên PlayStation với điều kiện chất lượng thấp hơn.

Microsoft cho biết họ sẽ giải quyết những lo ngại của CMA. Phía tập đoàn cam kết cấp quyền tiếp cận bình đẳng toàn phần dài hạn đối với tựa game "Call of Duty" cho Sony, Nintendo, Steam và những bên khác để duy trì lợi ích cho các game thủ và nhà phát triển, đồng thời tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Activision Blizzard cho biết những nhận định trên của CMA là tạm thời. Họ hy vọng sẽ giúp cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp trước khi đưa ra báo cáo cuối cùng vào ngày 26/4.

Thỏa thuận giữa Activision Blizzard và Microsoft đang chịu sự soi xét kỹ lưỡng ở cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.

Hồi tháng 12/2022, giới hữu trách Mỹ đã ngăn chặn thỏa thuận này, viện dẫn lịch sử “thu gom” những nội dung trò chơi có giá trị cao của Microsoft.

Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã ấn định sẽ tổ chức phiên điều trần trước một thẩm phán về thương vụ Activision-Microsoft vào tháng Tám năm nay.

[Nhà chức trách Mỹ can thiệp vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard]

Về phần EU, các nguồn thạo tin cũng cho hay khối này đang chuẩn bị một tuyên bố phản đối thỏa thuận trên.

Ông Alex Haffner, đối tác cạnh tranh tại công ty luật Fladgate, cho biết ý kiến của CMA gợi ý rằng các cam kết về cơ cấu, chẳng hạn như bán tài sản, có thể là cách duy nhất để xoa dịu những lo ngại của họ.

Theo ông Haffner, điều này rõ ràng sẽ đặt ra câu hỏi về cơ sở chiến lược cho thỏa thuận. Microsoft phải đối mặt với nhiều thách thức để được “bật đèn xanh” theo quy định toàn cầu.

Trước đó, Microsoft đã cam kết giữ "Call of Duty" trên hệ thống của PlayStation. Sự nổi tiếng của tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất không hề suy giảm gần hai thập kỷ sau khi ra mắt, với phần mới nhất đạt doanh thu 1 tỷ USD trong 10 ngày đầu tiên mở bán vào tháng 10/2022.

Nhưng "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đã nói rằng thỏa thuận với Activision Blizzard không chỉ về "Call of Duty."

Microsoft cho hay việc mua lại nhà sản xuất game sẽ thúc đẩy sự phát triển của tập đoàn trong lĩnh vực trò chơi trên di động, trên máy tính cá nhân (PC), trên đám mây, cũng như điện tử cầm tay, giúp họ cạnh tranh với những đối thủ như Tencent hay Sony.

Tuy nhiên, Sony đã phản đối thỏa thuận này vào năm ngoái, lập luận rằng nó sẽ "không có lợi cho sự cạnh tranh, ngành công nghiệp trò chơi và chính các game thủ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.