Anh: Khủng hoảng nhiên liệu tác động mạnh tới ngành dịch vụ thiết yếu

Phần lớn trong 8.000 trạm xăng dầu của Anh rơi vào tình trạng cạn kiệt, khiến cuộc khủng hoảng nhiêu liệu diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.
Anh: Khủng hoảng nhiên liệu tác động mạnh tới ngành dịch vụ thiết yếu ảnh 1Anh đang gặp khủng hoảng nhiên liệu. (Nguồn: dw.com)

Ngày 27/9, Hiệp hội Y khoa Anh và các công ty vận tải của nước này cảnh báo cuộc khủng hoảng nhiên liệu chưa từng có tại nước này có thể làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ thiết yếu và ngành công nghiệp, theo đó đề xuất bộ phận y tế và các công ty vận tải được ưu tiên cung cấp xăng và dầu diesel.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các trạm xăng dầu đã cạn kiệt nhiên liệu để bán và buộc phải thông báo đóng cửa.

Phần lớn trong 8.000 trạm xăng dầu của Anh rơi vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu, khiến cuộc khủng hoảng diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn, buộc chính phủ Anh phải đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng hỗ trợ để cung ứng xăng dầu.

Tiến sỹ Chaand Nagpaul, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Y khoa Anh, cho biết các nhân viên y tế cần được ưu tiên cung cấp nhiên liệu “để đến bệnh viện, cơ sở thực hành và các cơ sở chăm sóc sức khỏe hay xe cấp cứu để tiếp cận những người cần chăm sóc khẩn cấp.”

[BP đóng cửa nhiều trạm bán xăng dầu ở Anh do thiếu tài xế xe tải]

Về phần mình, ông David Brown, Chủ tịch Hiệp hội Chuyển phát nhanh và Gửi hàng quốc gia, cho biết các công ty chuyển phát đang từ chối nhận thêm đơn hàng vận chuyển và yêu cầu nhân viên ở nhà do không đảm bảo được nguồn cung cấp nhiên liệu.

Chính phủ Anh đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng, bắt đầu bằng sự gián đoạn quy mô nhỏ đối với việc cung cấp nhiên liệu do tình trạng thiếu hụt tài xế xe chở hàng nặng và sau đó biến thành khủng hoảng khi người dân hoảng loạn đổ xô đi mua nhiên liệu do lo ngại nguồn cung xăng dầu sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt.

Cuối tuần qua, chính phủ Anh đã phải dừng áp dụng luật cạnh tranh để cho phép các công ty năng lượng hợp tác cung cấp lại nhiên liệu cho các trạm xăng dầu, đồng thời nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với tài xế lái xe tải chở hàng nặng nước ngoài làm việc tại Anh.

Ông Brian Madderson, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu Anh, cho biết các thành viên trong hiệp hội đã báo cáo từ 50%-90% các địa điểm độc lập không có nhiên liệu trong khi những địa điểm đã được cung cấp thì nhanh chóng rơi vào tình trạng xe ùn ứ, xếp hàng dài để chờ đổ nhiên liệu.

Ông Madderson cho biết thêm, các thành phố và các khu vực đông dân cư khác ở Anh là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các hãng cung cấp nhiên liệu lớn tại Anh như BP, Royal Dutch Shell và một số công ty khác đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó bày tỏ hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong tuần này.

Cũng trong ngày 27/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhóm họp các thành viên cấp cao trong chính phủ để bàn phương án giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên, sau đó phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết hiện nước này không thiếu nguồn dự trữ nhiên liệu và sẽ tiếp tục hợp tác “chặt chẽ với ngành công nghiệp” để giải quyết vấn đề.

Quân đội Anh cũng đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng với 150 binh sỹ túc trực để giúp phân phối nhiên liệu theo kế hoạch dự phòng được chính phủ gọi là Chiến dịch Escalin.

Kế hoạch này được lập ra từ nhiều năm trước nhằm chuẩn bị cho viễn cảnh “Brexit không có thỏa thuận” và Anh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.