Sen là một loài hoa mang đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Sen cũng là biểu tượng của sự tinh khiết, tinh thần vươn lên trong khó khăn, biểu tượng cho những gì tốt đẹp nhất của đời sống người Việt.
Việc tôn tạo, phục hồi và phát triển các ao sen trên quê Bác vừa thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho quê hương vừa là điểm nhấn văn hóa du lịch tại quê hương của Người.
Gắn bó với Làng Sen hơn 80 năm, ông Nguyễn Quý Hùng, làng Sen 2, xã Kim Liên, hiểu rõ hoa Sen như biểu tượng đặc trưng, nhớ về quê hương Người.
Với ông, cứ mỗi dịp tháng 5 về, lẫn trong mùi thơm lúa mới là ngan ngát hương sen. Thứ hương thơm mộc mạc, thanh tao ấy khiến cho lòng người trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn trong nếp nghĩ.
“Nói đến làng Sen mà không có sen sẽ không còn ý nghĩa. Ai về quê hương Kim Liên cũng đều nghĩ về sen. Về Kim Liên hôm nay, nhất là dịp 19/5, du khách gần xa được thỏa sức ngắm sen nở rộ khắp vùng, được thưởng thức trà sen và các sản phẩm từ sen, bởi sen chính là biểu hiện tấm lòng của người dân Làng Sen đối với Bác Hồ,” ông Nguyễn Quý Hùng, Làng Sen 2, xã Kim Liên cho biết.
Chỉ còn gần 10 ngày nữa là công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đầu tư xây dựng thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho Hợp tác xã tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn sẽ khánh thành, kính dâng lên Bác đúng dịp sinh nhật 19/5.
Những ngày này, đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Những hộ dân sống hai bên con đường nối làng Mậu Tài và làng Hoàng Trù tích cực dọn vệ sinh, cắt tỉa cây xanh dọc tuyến đường để mừng sinh nhật Bác, đón du khách về thăm quê hương Người.
Phấn khởi cùng con cháu dọn dẹp vườn nhà ngõ xóm sạch đẹp, chuẩn bị khánh thành công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ,” bà Lê Thị Hải, Làng Sen 1, xã Kim Liên cho biết trên địa bàn có nhiều ao trước đây không được kè, người dân lại nuôi cá nên vứt rác bừa bãi. Sau khi Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đầu tư trồng sen, khu vực này trở nên sạch sẽ, cảnh quan rất đẹp. Bà con không ai vứt rác mà cùng nhắc nhở nhau giữ gìn môi trường quê Bác.
Công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” nằm dọc theo tuyến đường nối làng Mậu Tài - quê nội Bác và làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác. Đây là con đường có vị trí quan trọng kết nối tỉnh lộ 539 với điểm tham quan chính của quần thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.
[Lễ hội Làng Sen kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh]
Với tổng diện tích khoảng 4,5ha, công trình được quy hoạch xây dựng thành hai hồ sen trồng giống sen hồng và sen trắng giống như tên gọi Hồng Liên, Bạch Liên của Bác và chị gái là bà Nguyễn Thị Thanh sử dụng khi gặp lại nhau; ở giữa có hai cầu đi bộ qua hồ và hai nhà nghỉ chân cho du khách. Bao quanh hồ là hệ thống khuôn viên trồng cây xanh, hoa, cỏ.
Công trình được huy động đầu tư trên 8 tỷ đồng từ cán bộ, công nhân viên, người lao động, thành viên của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Nằm trong tổng thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, tái hiện lại tuổi thơ, quá trình sinh ra và lớn lên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ” gắn với các mô hình từ cây sen nhằm tạo điểm nhấn trong Khu Di tích, tạo ra nguồn sản phẩm đa dạng từ cây sen phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, nâng cao đời sống người dân; đồng thời góp phần xây dựng huyện Nam Đàn nói chung và xã Kim Liên nói riêng trở thành đơn vị nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện Đề án “Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018-2025,” xã Kim Liên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế đô thị, chủ trương cải tạo gần 6ha ao hồ hoang hóa trên địa bàn để phát triển mô hình trồng sen.
Đây cũng là hướng đi mới để các thôn xóm, hợp tác xã cải tạo phần lớn diện tích ao hồ hoang hóa, sâu trũng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, trở thành điểm nhấn văn hóa du lịch trên quê hương Bác.
Thời gian qua, Hợp tác xã Sen quê Bác đã nhân được 50 giống sen nhằm bảo tồn quỹ gen trên địa bàn với diện tích 30ha. Không chỉ trồng và chăm sóc, Hợp tác xã Sen quê Bác còn cung ứng các sản phẩm từ sen: giống sen, các loại trà sen; hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen, kim chi sen, củ sen muối; hương sen...
Để trở thành sản phẩm du lịch, Hợp tác xã Sen quê Bác đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen như máy sấy, máy hấp, máy ủ, máy đóng bao bì, máy hút chân không...
Tất cả các sản phẩm từ sen được đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác đầy đủ. Hiện các mặt hàng này đã có mặt ở khá nhiều nhà hàng, khách sạn và siêu thị tại địa phương và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Anh Phan Kim Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần nông dược Thành Vinh, thành viên Hợp tác xã Sen quê Bác cho biết “Hiện tại, 3 sản phẩm chủ lực từ sen của Hợp tác xã đạt chuẩn 3 sao OCOP (Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm). Trong đó, hai sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà sen. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời nghiên cứu cho ra thêm 3 sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách.”
Ông Phan Văn Cảnh, Bí Thư Đảng ủy xã Kim Liên, huyện Nam Đàn cho biết thêm: “Thời gian tới, xã Kim Liên đang tập trung xây dựng các mô hình từ cây sen nên huy động các nguồn lực kè lại các ao sen trong các khu dân cư, mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn xã. Các ao sen được đầu tư vừa tạo cảnh quan môi trường vừa tạo điểm nhấn về văn hóa du lịch khi du khách về với Kim Liên.”
Từ lâu, hoa sen đã được dùng để liên tưởng đến hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi hoa sen hội tụ các yếu tố vừa đời thường lại vừa cao quý, tựa như con người bình dị, thanh cao của Người. Hoa sen là biểu tượng cao quý về tâm hồn, tình cảm, đạo đức của Bác và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Cùng với hàng xà cừ xanh ngát, giếng Cốc mát trong, ao sen cũng là một điểm đến thu hút khách du lịch tham quan, tạo điểm nhấn kết nối với Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên khi về quê hương Người./.