Áp lực nợ xấu gia tăng, ngân hàng chật vật thanh lý tài sản thế chấp

Bất động sản là tài sản được các tổ chức tín dụng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không trả được nợ vay, tuy nhiên do khó thanh khoản, nhiều ngân hàng phát mại hàng chục lần vẫn ế khách mua.
Áp lực nợ xấu gia tăng, ngân hàng chật vật thanh lý tài sản thế chấp ảnh 1Một quầy giao dịch tự động của Agribank Digital. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Liên tục rao bán các khoản nợ, thanh lý, bán đấu giá tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang chật vật, hạ giá nhiều lần mà chưa tìm được người mua.

Đơn cử như tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), liên tiếp các thông báo bán đấu giá khoản nợ từ nhiều doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh được đăng tải trong thời gian gần đây. Tổng giá trị khoản nợ phải thu hồi lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Gần nhất, Agribank rao bán 4 khoản nợ với tổng giá trị hơn 300 tỷ đồng bao gồm khoản nợ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Bắc Hà với giá khởi điểm khoảng 56 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản THM Thịnh Vượng giá khởi điểm 95 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Thanh giá khởi điểm 77 tỷ đồng và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Viễn Đông 82 tỷ đồng.

Các khoản nợ này đều được thế chấp bằng hợp đồng cho thuê dài hạn và không hủy ngang tại Tòa nhà 7 tầng ở số 24 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Đây cũng là trụ sở chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trước đó, Agribank cũng thông báo bán đấu giá lần 3 khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc, với giá khởi điểm hơn 381 tỷ đồng, thấp hơn 43 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên.

Tương tự, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo tìm người mua quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thửa đất có diện tích 1.136m2, là đất thương mại, dịch vụ, thuộc sở hữu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Than Khoáng sản Ngoại thương Sài Gòn.

Đây là lần thứ 12 BIDV đưa tài sản này ra đấu giá. Giá khởi điểm đã giảm hơn 43,7 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên, xuống còn 72,8 tỷ đồng.

[Yếu tố bất lợi nào khiến lợi nhuận của các ngân hàng đi xuống?]

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) được rao bán lần thứ 4 với giá giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán cách đây gần 4 tháng.

Dư nợ tạm tính đến ngày 13/9 là hơn 561 tỷ đồng; trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là 20 quyền sử dụng đất tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) cùng các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình, quyền tài sản khác và quyền sử dụng đất.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Thậm chí, tỷ lệ này tại một số ngân hàng còn lên đến 80-90% tổng dư nợ cho vay.

Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tín dụng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không trả được nợ vay.

Áp lực nợ xấu gia tăng, ngân hàng chật vật thanh lý tài sản thế chấp ảnh 2Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tài sản giá trị lớn nhưng không dễ thanh khoản, nhiều ngân hàng phát mại hàng chục lần, giá trị tài sản giảm sâu vẫn ế khách mua. Nguyên nhân chính được giới chuyên gia chỉ ra là một phần do nguyên nhân khách quan của thị trường và nền kinh tế nói chung; phần khác còn do việc định giá tài sản phát mại.

"Tài sản đảm bảo đem ra phát mại không được bán giảm giá quá nhiều, nên giá phát mại chỉ giảm nhỏ giọt trong mỗi lần rao bán, khiến tài sản đấu giá đến cả chục lần vẫn chưa có người mua," Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định.

Không riêng bất động sản, nhiều ôtô, máy móc, thiết bị cũng được các ngân hàng rao bán và trong tình trạng khó thanh khoản.

VietinBank vừa rao bán đấu giá lần thứ 7 loạt tài sản của của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tùng Lâm khởi điểm gần 11,2 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức 21 tỷ đồng rao bán hồi tháng 6/2023.

Trong đó, tài sản bao gồm hệ thống kho bồn chứa cồn tại Cảng Gò Dầu, Khu công nghiệp Gò Dầu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với 3 bồn chứa cồn 2.500m3 đã qua sử dụng và các thiết bị được lắp đặt gắn liền với tài sản, các quyền, lợi ích, các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác liên quan đến tài sản.

Ngoài ra, còn có các tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu công trình xây dựng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tùng Lâm tọa lạc tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm móng bồn chứa, sân bêtông và các rãnh thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhà điều hành, nhà che sàn thao tác, hệ thống trạm cân...

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), kể từ cuối năm 2021 đến nay đã có hơn 120 chiếc xe ôtô được rao bán đấu giá nhưng chưa tới 10 chiếc tìm được chủ mới.

Áp lực nợ xấu gia tăng, ngân hàng chật vật thanh lý tài sản thế chấp ảnh 3Công tác xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Số liệu Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến tháng 7/2023 cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ.

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Đáng chú ý, Thống đốc cho biết thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).

Do đó, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới có thể tiếp tục chịu áp lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik/TTXVN)

Xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc vẫn ổn định

Bộ trưởng Tài chính đã nhấn mạnh rằng các hệ thống quản lý và giám sát tài chính tiền tệ của Chính phủ Hàn Quốc, bao gồm thị trường và các cơ chế quản lý khủng hoảng, đang hoạt động bình thường.