Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 1105/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ (tôn mạ) nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế áp dụng cho nhà sản xuất từ Trung Quốc cao nhất là 38,34% và từ Hàn Quốc là 19%.
Theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc áp thuế sẽ giúp bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời giúp doanh nghiệp lấy lại thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2016 vừa qua, lượng nhập khẩu ngành thép tiếp tục tăng cao so với năm trước, đáng chú ý là đối với các mặt hàng mà Việt Nam vẫn còn dư khả năng sản xuất. Đơn cử như tôn mạ và sơn phủ màu đạt hơn 1,86 triệu tấn, tăng 30,7% so với năm 2015 và chiếm trên 50% thị phần nội địa.
Trong tổng số các sản phẩm nhập khẩu, thì lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 60% trong tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian dài.
Hiệp hội cho rằng, việc áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôn mạ có xuất xứ từ Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất tôn thép trong nước, đồng thời đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Theo ông Sưa, lượng tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua tăng nhanh chóng. Vì thế, thị phần bán hàng tại thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong nước bị thu hẹp chỉ còn khoảng 50%, giảm hơn 10% so với hồi năm 2015.
Đáng nói là giá bán tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc đều thấp hơn so với giá bán tôn được sản xuất tại Việt Nam khoảng 6,5 triệu đồng/tấn, tương đương 30%. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước sản xuất tôn mạ sẽ khó phát triển, không thể cạnh tranh được với tôn mạ giá thấp từ Trung Quốc.
Nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng, việc tôn mạ giá rẻ có chất lượng không đạt chuẩn, được nhiều đơn vị nhập khẩu đưa vào thị trường nội địa, đội lốt thương hiệu của các doanh nghiệp, gây mất uy tín và thị phần của doanh nghiệp trong nước.
Thêm vào đó, ở các thị trường truyền thống như Australia, Mỹ, Thái Lan, Malaysia..., sản phẩm tôn mạ của Việt Nam vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, do đó, việc áp thuế sẽ giúp ích rất lớn cho những doanh nghiệp sản xuất tôn.
Phía VSA cho rằng, việc áp thuế tự vệ đối với tôn mạ thời điểm này là rất kịp thời, bởi năm 2017 mặc dù được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng ngành tôn thép trong nước sẽ còn nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập, và phòng vệ thương mại.
Áp thuế sẽ giúp giảm lượng tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp phần nào lấy lại thị trường trong nước một cách chính đáng.
Ông Sưa cũng cho rằng, ngành thép bị kiện phòng vệ thương mại nhiều khi xuất khẩu tại các nước, nhưng điểm lại các vụ kiện Việt Nam thực hiện thành công trong nước là rất ít.
Do đó, để có thể phòng vệ một cách chính đáng, phù hợp với thông lệ quốc tế và hội nhập thì bản thân doanh nghiệp ngoài việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, cũng cần phải tự xây dựng cho mình đội ngũ nhân lực am hiểu về phòng vệ thương mại, đồng thời chuẩn bị các hồ sơ để kiện và chống kiện một cách hiệu quả nhất.../.