Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chênh lệch lớn giữa năng lực cung ứng, chất lượng sản phẩm đang khiến ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo khó chen chân vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Vấn đề khơi thông thị trường cho các doanh nghiệp đang được đánh giá là giải pháp giúp các doanh nghiệp cơ khí nội địa phát triển. Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime).
- Ông nhận định như thế nào về ngành công nghiệp cơ khí, sau nhiều năm phát triển?
Ông Nguyễn Chỉ Sáng: Về những yếu kém thực tế của ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng, nhiều chuyên gia, học giả cũng đã đề cập đến. Đó là, sự hạn chế của công nghệ sản xuất, tính liên kết giữa các doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực…. Đến nay nhìn lại, chúng ta vẫn chưa có được một ngành cơ khí chế tạo, sản xuất các thiết bị, linh kiện phụ trợ phát triển hoàn chỉnh.
Mặc dù, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhưng việc quán triệt, thực hiện có nghiêm không thì còn nhiều vấn đề. Độ kiên định của chính sách, từ cơ quan làm chính sách đến người thực thi không được tốt nên chúng ta không đạt được như mong muốn.
- Việt Nam đã có chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Vậy để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông, Việt Nam cần những yếu tố gì?
Ông Nguyễn Chỉ Sáng: Tôi cho là xuất phát điểm, yếu tố tạo nên thành công đầu tiên là việc mình có làm chủ thị trường hay không. Thị trường cho ngành cơ khí hiện nay rất nhiều nhưng quan trọng là chúng ta định nhắm đến thị trường nào. Bên cạnh đó, phải phân tích xem thị trường trong nước bây giờ là cái gì, lĩnh vực nào có dung lượng lớn thì chúng ta cần tập trung vào.
Đơn cử như Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, họ đã phân tích khách hàng để đưa ra gói khách hàng và sản lượng của họ với doanh thu đạt khoảng 5 tỷ USD. Hay như thị trường thép hiện cũng rất lớn, các nhà sản xuất Châu Âu, Mỹ cũng không cạnh tranh được với các nhà sản xuất thép Trung Quốc. Nhưng các Tập đoàn Hòa Phát, Hoa Sen họ vẫn làm tốt, họ đã phân tích thị trường tốt và họ có chính sách tốt để phát triển công nghiệp thép.
Còn Thaco Trường Hải muốn nội địa hóa, đầu tiên họ cũng phải bán ôtô và sau đó làm đại lý cho các hãng KIA, MAZDA. Khi đã làm chủ thị trường rồi, họ muốn nội địa các gì thì các hãng phải chấp nhận mà người dân cũng dễ chấp nhận. Hiện, họ đã có thể nội địa hóa cánh cửa, dây điện còn với xe buýt đã nội địa hóa được khung gầm...
Hay như ngành cơ khí chế tạo thì phải nhìn nhận đâu là thị trường lớn. Một số học giả cho là máy chế biến nông nghiệp nhưng nếu đứng trên góc độ đất nước ta là nước phát triển nông nghiệp, tôi cũng đồng tình phải phát triển máy móc, thiết bị cho nông nghiệp.
Nhưng nếu đứng trên góc độ thị trường, thiết bị máy móc chế biến rất là nhỏ, dung lượng chỉ khoảng 1 tỷ USD là hết. Trong khi đó, một năm để hình thành các dây chuyền, thiết bị đồng bộ chúng ta đầu tư vào khoảng 10-20 tỷ USD. Đó chính là dung lượng lớn và là điều chúng ta phải phân tích để chiếm được thị trường này.
- Vậy theo ông, đâu sẽ là “thị trường khởi đầu” để chúng ta hướng vào?
Ông Nguyễn Chỉ Sáng: Trong câu chuyện về đầu tư nhà máy, một nhà máy nhiệt điện đầu tư hơn 1 tỷ USD, nhà máy xi măng vài trăm triệu USD… Từ xưa, chúng ta đã có các chính sách thúc đẩy nội địa hóa, nhưng chúng ta chưa có một chính sách, cơ chế đầy đủ để làm chủ thị trường đó.
Ví dụ, nếu đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện từ nay đến năm 2030, chúng ta sẽ đầu tư khoảng 60.000 MW, tương ứng giá trị thiết bị vào khoảng 70 tỷ USD. Qua phân tích đánh giá thị trường, không cần phải đầu tư quá lớn, chúng ta hoàn toàn làm chủ được nội địa hóa khoảng 20-25 tỷ USD.
Điều này chúng ta có thể làm chủ được và để làm chủ, đối với một số dự án đầu tiên cần phải bảo hộ cho các doanh nghiệp thực sự có năng lực trong nước tham gia.
Tất nhiên, hiện nay chúng ta hội nhập sâu rộng và đang “ngại” bảo hộ. Nhưng ở Mỹ, họ muốn bảo vệ thị trường họ cũng phải bảo hộ. Khi chúng ta bảo hộ được thị trường lớn thì lợi ích chúng ta được rất nhiều, ngoài chuyện các nhà tổng thầu có lãi ra thì các doanh nghiệp cơ khí, phụ trợ trong nước sẽ có cơ hội cung cấp hàng hóa.
Nếu các tổng thầu là doanh nghiệp nước ngoài thì các thiết bị phụ trợ của Việt Nam khó có thể đưa vào dây chuyền được. Thường họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải có năng lực, có quá trình làm các dự án, có kiểm định...nhưng doanh nghiệp Việt đã làm đâu mà có. Chúng ta làm những dự án từ bulong, kết cấu thép, bơm, quạt, vòng bi…và sau khi vào làm vài dự án thì các doanh nghiệp nội mới có đủ năng lực, được kiểm định để cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Quan điểm của tôi là phải tính xem thị trường nào lớn để chúng ta làm chủ và để làm chủ thì phải kết hợp đồng bộ. Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích chủ đầu tư và nhà thầu làm chủ thị trường và làm chủ những phần công việc của mình./.