APEC 2017: Chia sẻ kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính

Các nền kinh tế thành viên APEC bàn về tăng cường hợp tác; thông báo cho nhau về những cải cách thủ tục hành chính, các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động hải quan.
APEC 2017: Chia sẻ kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính ảnh 1Đại diện các nền kinh tế APEC tham dự cuộc họp. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 22/2, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Tiểu ban về thủ tục hải quan tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (SOM1) và các cuộc họp liên quan.

Bên lề cuộc họp, phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam về những vấn đề được đưa ra bàn thảo lần này.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, tại cuộc họp lần này, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương bàn về tăng cường hợp tác; thông báo cho nhau về những cải cách thủ tục hành chính, các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động hải quan, cũng như việc tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng năng lực của từng nền kinh tế thành viên.

Trên cơ sở đó, các nền kinh tế thành viên có điều kiện tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, học được những kinh nghiệm tốt, xây dựng cũng như sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, cải tiến thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... trong các hoạt động.

Tại cuộc họp, đại diện Hải quan Việt Nam chia sẻ về mặt luật pháp, Hải quan Việt Nam đã sửa đổi bổ sung cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chứng từ kỹ thuật, kỹ thuật số; thực hiện thủ tục hành chính phi giấy tờ.

Về mặt ứng dụng công nghệ thông tin, Hải quan Việt Nam đã xây dựng hệ thống thông quan điện tử và cách thức để tiến hành hệ thống này.

Về điều hành hành chính, Hải quan Việt Nam thông báo với thế giới quyết tâm cao của Chính phủ trong việc vừa tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, hoạt động du lịch. Đồng thời, ngành tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư hợp pháp.

Ông Vũ Ngọc Anh cho biết tại cuộc họp lần này, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã thảo luận về những kinh nghiệm mới, thực tiễn trong hoạt động hải quan giới thiệu để các thành viên có thể học tập, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau.

Đối với Việt Nam, theo cơ chế một cửa quốc gia, hiện nay, các chứng từ đều theo một chuẩn mực chung và được đưa lên cổng thông tin điện tử. Các đơn vị liên quan sử dụng thông tin đó và không yêu cầu hành khách hay người đi làm thủ tục hải quan phải khai báo một lần nữa. Ở mức cao hơn, hệ thống công nghệ thông tin sẽ tự động đưa ra kết quả cho các trường hợp khai báo hải quan.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam nhấn mạnh Hải quan Việt Nam mong muốn hợp tác với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương để được hỗ trợ cả về kinh nghiệm lẫn nguồn lực vật chất và các giải pháp công nghệ từ đó xây dựng năng lực ngành Hải quan Việt Nam.

Đối với vấn đề kết nối cơ chế một cửa, ông Vũ Ngọc Anh cho rằng trong số các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hiện nay còn tồn tại mức độ chênh lệch khá lớn. Trên thực tế, cơ chế kết nối một cửa song phương có nhiều nhưng cơ chế kết nối một cửa đa phương trong khu vực ASEAN mới đang ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Hiện nay, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mới bàn đến và để thực hiện thành công cần có một lộ trình khá dài từ khâu nghiên cứu, khảo sát năng lực.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục