APEC 2017: Phiên họp của Ủy ban Kinh tế APEC về thúc đẩy kinh tế

Việt Nam tham gia tham luận với nội dung về vấn đề quản lý và luật doanh nghiệp, công tác xây dựng chương trình hợp tác luật và hành chính công.
APEC 2017: Phiên họp của Ủy ban Kinh tế APEC về thúc đẩy kinh tế ảnh 1Đại diện các nền kinh tế phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 25/8, Ủy ban Kinh tế APEC (EC) tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 2 và phiên họp thứ 5 của Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) về vấn đề xây dựng thể chế chính sách thúc đẩy sự phát triển cho các nền kinh tế thành viên APEC.

Tại phiên toàn thể lần thứ 2 diễn ra trong hai ngày 25-26/8, Ủy ban Kinh tế APEC sẽ xem xét dự thảo Báo cáo chính sách kinh tế APEC về phát triển nguồn nhân lực và tái cấu trúc; trao đổi kết quả công tác của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và nhóm công tác luật và chính sách cạnh tranh (CPLG) về đánh giá cạnh tranh; bàn thảo về công tác chuẩn bị cho Cuộc họp chính thức cấp cao về tái cơ cấu (HLSROM)...

[Đối thoại chính sách về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững]

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đi sâu vào các nội dung đã trao đổi trước đó tại phiên họp thứ 5 của Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) như các vai trò của luật gia với chính sách cạnh tranh; quản lý và luật doanh nghiệp; cải cách quy định về hành chính kinh doanh...

Việt Nam tham gia tham luận với nội dung về vấn đề quản lý và luật doanh nghiệp, công tác xây dựng chương trình hợp tác luật và hành chính công, thông qua việc thảo luận và trao đổi thông tin giữa các nền kinh tế thành viên của APEC.

Trước đó, tại phiên họp thứ 5 của Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) về tăng cường cơ sở hạ tầng pháp lý kinh tế và thể chế (SELL), các đại biểu đã trao đổi về triển vọng hợp tác giữa các thành viên APEC và thảo luận về chính sách đầu tư cho tài chính kinh tế trong khu vực; cập nhật cơ cấu và hợp tác giữa APEC về hoạt động giải quyết tranh chấp qua mạng.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi và chia sẻ các vấn đề liên quan đến việc xây dựng khung pháp lý về kinh tế, giúp các nền kinh tế thành viên cải thiện khung pháp lý đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Các đại biểu cũng thảo luận về tính hiệu năng của các thể chế kinh tế đang hiện hữu, rút ra bài học cho các nền kinh tế trong hoạt động xây dựng pháp luật kinh tế, đem lại hiệu quả cao hơn cho mỗi nền kinh tế thành viên.

Chia sẻ bên lề phiên họp, ông James Ding, chuyên gia pháp lý từ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết kết quả phiên làm việc sẽ giúp đưa ra những khuyến nghị, gợi ý cho các nền kinh tế tham chiếu, lựa chọn cho phù hợp với điều kiện cụ thể, hướng đến đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.