Ngày 24/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau hai ngày làm việc, Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế trong khuôn khổ chương trình Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017) đã kết thúc với nhiều kết quả quan trọng.
Tại buổi họp báo kết quả Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Phạm Lê Tuấn cho biết cuộc họp đã chia sẻ và trao đổi các nội dung về đổi mới tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Cuộc họp có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có các Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Y tế nhiều nền kinh tế thành viên, đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực liên quan, Ban Thư ký APEC quốc tế, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC...
Thông tin nội dung cuộc họp, ông Phạm Lê Tuấn cho biết các đại biểu đã thảo luận về vấn đề bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải đối mặt với các khó khăn về tài chính. Đây là mục tiêu đã và đang được thực hiện rộng rãi trên toàn cầu và ở các nền kinh tế thành viên APEC. Các Bộ trưởng Y tế của các nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận các quan điểm về đổi mới tài chính y tế, tạo môi trường pháp lý và chính sách phù hợp để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu lực, hiệu quả.
[APEC 2017: Hội nghị SOM 3 trải qua một ngày làm việc bận rộn]
Các đại biểu dự cuộc họp khẳng định, đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho phát triển, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ là động lực, đầu tầu thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe cần được xác định là một ưu tiên trọng tâm để tăng năng suất lao động xã hội. Từ các lợi ích kinh tế cũng cần đầu tư lại cho chăm sóc sức khỏe. Để y tế được ưu tiên đầu tư thích đáng, cần đánh giá, đo lường lợi ích xã hội và kinh tế từ đầu tư công cho y tế.
Các đại biểu cũng đánh giá, nguồn tài chính công từ ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế xã hội là nền tảng để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong bối cảnh nguồn tài chính công còn hạn chế ở một số nền kinh tế thành viên APEC, cần có các cơ chế huy động nguồn tài chính bổ sung nhằm mở rộng bao phủ chăm sóc sức khỏe cho mọi nhóm dân cư. Các nền kinh tế cần xem xét lựa chọn các cơ chế tài chính phù hợp với bối cảnh chính trị, đặc điểm kinh tế - xã hội và đặc thù của hệ thống y tế.
Bên cạnh huy động các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe, các đại biểu dự cuộc họp cũng đánh giá, việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đóng vai trò quan trọng, có thể mang lại tiết kiệm đáng kể chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các dịch vụ y tế. Một số kinh nghiệm quốc tế được trình bày tại cuộc họp cũng cho thấy, hệ thống y tế có thể đạt được kết quả sức khỏe cao hơn nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn lực. Ví dụ trong bối cảnh gia tăng các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số, cần chuyển hướng chăm sóc sức khỏe tập trung vào bệnh viện sang chăm sóc sức khỏe tại y tế cơ sở.
Ông Phạm Lê Tuấn cho biết, các thành viên nền kinh tế APEC tái khẳng định cam kết thực hiện Sáng kiến vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020 (HAP 2020) khởi xướng từ năm 2014, trong đó kêu gọi xây dựng theo hướng tiếp cận sức khỏe với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và toàn khu vực. Cuộc họp cũng thảo luận một số sáng kiến và hợp tác đang được triển khai để đạt được các mục tiêu đề ra; trong đó, để thực hiện các sáng kiến này, cần tăng cường phối hợp đa ngành, kết hợp công-tư.
Trao đổi tại buổi họp báo, bà Maureen Goodenow - Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới Khoa học Đời sống APEC đánh giá Việt Nam đã tổ chức rất thành công Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế cũng như các đối thoại chính sách y tế có liên quan. Các chủ đề Việt Nam đề cập tới được xây dựng từ các chương trình sáng tạo. Trong đó, cuộc họp đã xem xét về tính không hiệu quả trong hệ thống y tế và mỗi nền kinh tế sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào; chúng ta cần ưu tiên hóa các mục chi ngân sách cho từng vấn đề; đánh giá đầu tư cho y tế mang lại lợi ích gì cho sức khỏe và mặt xã hội.
Bà Kathryn Clemans - cố vấn Ban Điều hành Diễn đàn Đổi mới khoa học đời sống APEC đánh giá, đây là cuộc họp được xem là thành công nhất từ trước đến nay, khi các bên đã thảo luận rất nhiều nội dung mang tính chất sáng tạo với sự đồng chủ trì bởi nhóm các chuyên gia y tế Việt Nam. Chủ đề huy động tài chính cho y tế lần đầu tiên được thảo luận sâu trong khuôn khổ APEC với mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư cho y tế. Phiên thảo luận về cơ chế tài chính thay thế cũng rất quan trọng, chắc chắn sẽ được xây dựng trong những năm sắp tới. Cuộc họp cũng đã thảo luận về vai trò của nhà đầu tư tư nhân, khía cạnh về mặt xã hội, ngân hàng phát triển…
Về các cuộc họp liên quan, bà Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Y tế cho biết cuộc họp Nhóm công tác y tế APEC đã rà soát lại những ưu tiên hợp tác năm 2017 được các thành viên thông qua và Việt Nam đã đưa ra sáng kiến này. Đó là năm 2017, các nền kinh tế tập trung vào tăng cường hợp tác đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân và mục tiêu vì một châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020; các nền kinh tế cũng thông qua việc đưa ra các chỉ số đánh giá thực hiện các mục tiêu trên.
Bên cạnh đó, Nhóm công tác y tế APEC cũng phối hợp với các đối tác, tổ chức nhiều cuộc họp liên quan trong đó có Diễn đàn đa phương về đầu tư cho tuổi già năng động và khỏe mạnh hướng tới phát triển bền vững; Đối thoại cao cấp của Diễn đàn Đổi mới Khoa học đời sống về đổi mới hệ thống quản lý và hài hòa quy định dược phẩm; các diễn đàn đối thoại chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phòng chống bệnh không lây nhiễm, tăng cường phòng chống lao và lao kháng thuốc, phòng chống ung thư cổ tử cung…
Các kết quả của Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế sẽ được tổng hợp vào Tuyên bố chung và khuyến nghị gửi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017 tới./.