ASEAN nỗ lực hướng tới nền kinh tế thân thiện với môi trường

Bộ trưởng Điều phối Các Vấn đề Kinh tế Indonesia nhấn mạnh lượng phát thải khí nhà kính ở Đông Nam Á cần phải giảm từ 10-25% vào năm 2030 để hạn chế xu hướng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
ASEAN nỗ lực hướng tới nền kinh tế thân thiện với môi trường ảnh 1Hơn 100 chiếc ôtô điện được dùng làm phương tiện chuyên chở chính thức cho các phái đoàn tháp tùng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 tại Indonesia, hồi tháng Năm vừa qua. (Ảnh: Đào Trang/TTXVN)

Bộ trưởng Điều phối Các Vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết các nước ASEAN đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành khu vực kinh tế thân thiện với môi trường.

Phát biểu tại Diễn đàn Khí hậu ASEAN 2023 ở Jakarta ngày 2/9, Bộ trưởng Airlangga chia sẻ: “Diễn đàn Khí hậu ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình nghị sự phát triển bền vững nhằm tạo điều kiện cho ASEAN chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, phù hợp với tầm nhìn của ASEAN đến năm 2045.”

Diễn đàn dự kiến sẽ tập trung vào các ý tưởng chiến lược và tư duy toàn diện về giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng hợp lý, chiến lược trung hòa carbon và tài chính bền vững.

Theo Bộ trưởng Airlangga, khu vực Đông Nam Á sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu và có nguy cơ mất khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050 do nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Do đó, lượng phát thải khí nhà kính ở Đông Nam Á cần phải giảm từ 10-25% vào năm 2030 để hạn chế xu hướng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Để đạt được mục tiêu này, chính sách hợp tác giữa Chính phủ và khu vực doanh nghiệp là cần thiết ngay từ bây giờ.

[Indonesia khuyến khích phát triển hệ sinh thái xe điện ASEAN]

Hiện tại, nhiều lĩnh vực ngành nghề của ASEAN đã cam kết đạt mục tiêu không phát thải. Việc sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo cũng sẽ rất quan trọng để khu vực đáp ứng các cam kết trung hòa carbon.

Cũng theo Bộ trưởng Airlangga, các nước ASEAN đã nhất trí phát triển hệ sinh thái xe điện và trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, xu thế phát triển xe điện có thể đóng vai trò quan trọng trong sự bền vững của môi trường, bắt đầu từ nỗ lực giảm khí thải nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, trung hòa carbon trong lĩnh vực giao thông đường bộ để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 và tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực ASEAN.

Ông cho rằng xu hướng chuyển đổi sang xe điện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với ASEAN, mà còn ở cấp độ toàn cầu do lợi thế của loại phương tiện này trong quá trình đa dạng hóa năng lượng và giảm phát thải.

Bên cạnh đó, Hội nghị cấp cao ASEAN cũng đã nhất trí tìm kiếm sự hợp tác và cộng tác trong quá trình phát triển hệ sinh thái xe điện.

Định hướng hợp tác bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và trạm sạc, tạo môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích quan hệ đối tác công tư.

Bộ trưởng Airlangga nhấn mạnh định hướng này cần phải được triển khai thông qua biện pháp tối ưu hóa sản xuất và sử dụng bền vững nguyên liệu, tài nguyên để đạt được giá trị cao hơn từ chuỗi cung ứng xe điện trong khu vực và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.