ATF-JCC 16: Tăng gấp đôi giá trị giao dịch thương mại ASEAN đến 2025

Phiên họp Hội nghị Ủy ban tham vấn thuận lợi hóa thương mại ASEAN lần thứ 16 đã tập trung thảo luận những nội dung chính trong hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại của khối ASEAN.
ATF-JCC 16: Tăng gấp đôi giá trị giao dịch thương mại ASEAN đến 2025 ảnh 1Các đại biểu tham dự phiên họp Hội nghị Ủy ban tham vấn thuận lợi hóa thương mại ASEAN lần thứ 16. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phiên họp Hội nghị Ủy ban tham vấn thuận lợi hóa thương mại ASEAN lần thứ 16 (gọi tắt là ATF-JCC 16) đã được tổ chức ngày 10/1 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Việt Nam.

Đây là Hội nghị đầu tiên của năm 2020 thuộc kênh kinh tế, do Bộ Công Thương phụ trách.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hội nghị ATF-JCC 16 tập trung thảo luận những nội dung chính trong hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại của khối ASEAN cũng như tham vấn các sáng kiến như: minh bạch hóa, đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm mục tiêu cắt giảm 10% chi phí giao dịch thương mại nội khối vào năm 2020.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận nhằm tăng gấp đôi giá trị giao dịch thương mại nội khối trong giai đoạn 2017-2025 như được đặt ra trong Kế hoạch hành động chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2020 (ATF-SAP) và Kế hoạch hành động chiến lược AEC 2025 cho thương mại hàng hóa (SAP-TIG)…

[Việt Nam chủ trì cuộc họp Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN]

“Với vai trò chủ tịch, Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong quá trình điều phối cuộc họp, tích cực tham vấn quan điểm của các nước ASEAN, Ban thư ký ASEAN cũng như các đối tác và đại diện các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, thông qua chương trình nghị sự của hội nghị và thống nhất các luồng quan điểm để đưa ra kết luận của hội nghị,” ông Thái cho hay.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, một trong những hoạt động quan trọng của Hội nghị là phối hợp hoạt động giữa các nhóm công tác chuyên ngành trong ASEAN để đảm bảo mục tiêu chung là tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối.

Do vậy, Hội nghị lần này có sự tham gia của Chủ tịch nhiều nhóm công tác chuyên môn liên quan đến thương mại hàng hóa, hải quan, tiêu chuẩn… để cùng nhau chia sẻ thông tin và thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết các vấn đề ASEAN cần thúc đẩy trong thời gian tới.

ATF-JCC 16: Tăng gấp đôi giá trị giao dịch thương mại ASEAN đến 2025 ảnh 2ATF-JCC 16 tổ chức ngày 10/1, tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

ATF-JCC 16 có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong ASEAN, các tổ chức quốc tế và một số cơ quan nghiên cứu để cùng nhau hợp tác trong nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Điều hành và tham gia Hội nghị lần này, Việt Nam với tư cách chủ tọa đã có những đóng góp tích cực, thiết thực trong quá trình thảo luận, nhằm tiếp nối những nội dung đã từng được thảo luận tại những hội nghị trước và xác định hướng hợp tác về tạo thuận lợi cho thương mại trong thời gian tới của khu vực trong năm 2002 và các năm tiếp theo.

Các nước đánh giá cao sự điều hành và những ý kiến đóng góp của Việt Nam để có những kết quả cụ thể, thực tế và bám sát nhu cầu của ASEAN. Các kết quả của hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội nghị các quan chức Cao cấp ASEAN lần thứ nhất năm 2020 (SEOM 1/51) sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới./.

Hội nghị ATF-JCC 16 đã thảo luận các sáng kiến và đề xuất cụ thể để thúc đẩy hợp tác của các nước ASEAN trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho thương mại, chuẩn bị cho đánh giá giữa kỳ của ASEAN về nội dung này vào năm sau.

Trong đó, một số nội dung thảo luận cụ thể tập trung vào như: thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về các biện pháp phi thuế (NTMs) của các nước ASEAN. Tăng cường tham vấn giữa các chính phủ ASEAN với cộng đồng doanh nghiệp; Đề xuất nghiên cứu đánh giá tác động (RIA) của các NTMs.

Ngoài ra, hội nghị còn cập nhật cơ sở dữ liệu NTMs do các đối tác của ASEAN (EU-ARISE, ERIA/UNCTAD) xây dựng để đăng tải lên cổng Cơ sở dữ liệu thương mại chung của ASEAN và Cơ sở dữ liệu thương mại các quốc gia ASEAN (ATR/NTR) cũng như đề xuất tổ chức các hội thảo và xây dựng năng lực cho các nước thành viên ASEAN…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.