Trong những ngày cao điểm dịch COVID-19, hoạt động của các máy “ATM gạo” do Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC - Bảo hiểm Agribank) đặt tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh như một nguồn tiếp sức làm ấm lòng người dân trong những ngày khó khăn, thiếu thốn.
Thay vì nhả ra tiền như thường thấy, máy ATM này có tính năng đặc biệt: nhả ra gạo tặng cho người dân.
Vào những ngày đầu tháng Tám, khi quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đang là "địa bàn nóng" với tỷ lệ số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, dân cư chủ yếu là lao động tự do, không có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống khó khăn, chưa được tiếp cận ngay với các chính sách hỗ trợ…, ABIC đã quyết định lắp đặt 2 máy “ATM gạo” tại đây để có thể trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Máy “ATM gạo” này là sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt, có độ chính xác đến 95% đối với người đeo khẩu trang và 99% với người đeo kính chắn giọt bắn.
Sau khi được nhận diện, máy sẽ phát cho mỗi người 3 kg gạo/lần, thời gian giữa 2 lần nhận gạo đối với mỗi người là 7 ngày. Không cần giấy tờ, hệ thống tự động nhận diện khuôn mặt và nhả gạo. Người đến nhận gạo đều tự giác giữ khoảng cách an toàn. Phần lớn họ làm công việc thời vụ như bán vé số, xe ôm, bán hàng rong… bị mất thu nhập do dịch, cuộc sống rất chật vật, thiếu thốn.
Khi Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang giai đoạn siết chặt giãn cách xã hội, Bảo hiểm Agribank chủ động phối hợp với lực lượng quân đội và chính quyền địa phương đóng gạo thành các bao 5kg đi phát đến từng hộ dân tại các một số phường của quận 8. Tuy nhỏ, nhưng những bao gạo này là nguồn thực phẩm thiết thực tiếp sức cho các hộ gia đình vượt qua đại dịch.
[Chuyến xe chở gạo, trao gửi yêu thương giữa mùa dịch ở TP Hồ Chí Minh]
Chia sẻ về hoạt động này, ông Trần Trung Dũng - Bí thư Đoàn thanh niên Bảo hiểm Agribank - cho biết ý tưởng lắp đặt máy “ATM gạo” được hình thành và triển khai từ nguồn hỗ trợ ban đầu của công ty, sau đó đơn vị mở rộng, kêu gọi sự đóng góp của cán bộ nhân viên trong công ty, cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống Agribank, rồi kế đến là huy động sự đóng góp của các khách hàng, các nhà hảo tâm…
Máy “ATM gạo” này được kết nối với một trang web qua một phần mềm, được cập nhật liên tục số gạo cấp phát trong ngày. Trang web đó có hai tính năng: tổng hợp số tiền ủng hộ (quy đổi luôn ra số gạo được tặng) và tổng hợp số gạo được phát ra.
“Việc này được trừ tự động trên hệ thống nên không bị thất thoát một đồng nào," ông Trần Trung Dũng khẳng định.
Việc cập nhật công khai số tiền ủng hộ cũng như việc phát gạo đã tạo niềm tin cho nhiều người tự nguyện tham gia và rủ nhiều bạn bè cùng tham gia đóng góp.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi “mạnh thường quân” sau khi đóng góp, dù khoản tiền lớn hay nhỏ đều được trang web tự động tạo dựng một tấm thiệp tri ân nhỏ xinh, ghi tên người đó. Nhiều người thích thú đăng tải tấm thiệp này lên mạng xã hội, trang cá nhân của mình…, từ đó lan tỏa và thu hút nhiều tấm lòng hảo tâm khác.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Thị Phượng cho biết máy “ATM gạo” của Bảo hiểm Agribank đã tạo tiền đề mở màn cho một loạt máy ATM sau đó của các đơn vị khác trong hệ thống Agribank...
Dự kiến, sau ngày 15/10, Bảo hiểm Agribank sẽ mở thêm một máy “ATM gạo” nữa tại huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục giúp đỡ những người lao động tự do và công nhân bị kẹt lại, chưa có việc làm./.