AU nỗ lực thúc đẩy Hiệp địch thương mại tự do châu Phi

Phần lớn các quốc gia thành viên AU đều nhận thức rõ tác động tiêu cực của rào cản phi thuế quan tới thương mại nội khối, nhưng đa số vẫn chưa đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.
AU nỗ lực thúc đẩy Hiệp địch thương mại tự do châu Phi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AU)

Ngày 4/10, Liên minh châu Phi (AU) đã hối thúc các quốc gia thành viên khẩn trương dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan trong thương mại nội khối, nhằm thúc đẩy quá trình hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong thông báo cùng ngày, AU cho biết mặc dù phần lớn các quốc gia thành viên đều nhận thức rõ tác động tiêu cực của rào cản phi thuế quan tới thương mại nội khối, nhưng đa số vẫn chưa đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Trong thông báo, người đứng đầu Ủy ban Thương mại và Công nghiệp của AU Albert Muchanga khẳng định nếu các quốc gia không giải quyết thực trạng hiện nay, việc triển khai hiệp định thương mại được đánh giá là có quy mô lớn nhất thế giới này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, ông Muchanga cho rằng sự thành công của AfCFTA sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chính phủ 54 quốc gia thành viên trong việc rà soát cũng như loại bỏ các hàng rào phi thuế quan hiện vẫn đang được áp dụng tràn lan tại lục địa này.

Tuần trước, AU đã mở một chiến dịch truyền thông mang tên "Trade Easier Campaign" (Đơn giản hóa thương mại), trong đó liệt kê các loại hàng rào phi thuế quan hiện đang cản trở thông thương nội khối cũng như cung cấp các giải pháp hiệu quả để loại bỏ.

[Liên hợp quốc: AfCFTA sẽ là "cầu nối tới hòa bình" tại châu Phi]

Thực hiện cùng sự phối hợp của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), chiến dịch này cũng ra mắt cổng thông tin điện tử trong đó cho phép các doanh nghiệp châu Phi gửi thông báo cho cơ quan chức năng về những rào cản phi thuế quan bất hợp lý mà họ gặp phải trong quá trình hoạt động.

Theo UNCTAD, nếu dỡ bỏ thành công hàng rào phi thuế quan, các quốc gia châu Phi mỗi năm có thể thu về khoảng 20 tỷ USD nhờ việc tăng cường trao đổi thương mại, cao hơn nhiều so với con số 3,6 tỷ USD mà các nước này phải chi trả để thực hiện việc loại bỏ các hàng rào này.

Ra mắt hồi năm ngoái sau 17 năm đàm phán gai góc, AfCFTA được kỳ vọng mở rộng cánh cửa giao thương của thị trường trị giá 2.500 tỷ USD cũng như giúp nâng cao đời sống của 1,3 tỷ dân tại lục địa thường chỉ được biết đến với nghèo đói và xung đột này.

Theo AU, sau khi AfCFTA được kích hoạt đầy đủ, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ giúp tăng tỷ trọng thương mại nội khối lên 60% trong vòng 3 năm tới so với tỷ lệ hiện tại là 16%.

Bên cạnh đó, AfCFTA sẽ góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu tốt hơn.

AfCFTA được đánh giá sẽ làm thay đổi cơ bản "cuộc chơi" bấy lâu nay tại châu Phi. Thay vì trước đây chỉ tập trung vào các đối tác "xa xôi" tận châu Âu hay Mỹ, các quốc gia châu Phi từ giờ sẽ có cơ hội tăng cường giao thương với nhau và bổ sung cho nhau để cùng phát triển.

Theo số liệu của AU, kim ngạch thương mại giữa các nước châu Phi hiện đang thấp hơn rất nhiều so kim ngạch giữa các nước châu Phi với các khu vực khác trên thế giới.

Thương mại nội khối châu Phi chỉ chiếm 16% trong tổng giá trị thương mại của toàn châu lục, thấp hơn so mức 19% tại Mỹ Latinh, 51% ở châu Á, 54% ở Bắc Mỹ và 70% ở châu Âu.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh tình trạng bất ổn chính trị và xung đột thường xuyên xảy tại nhiều quốc gia, một nguyên nhân quan trọng khác ngăn cản việc giao thương giữa các nước châu Phi là việc thiếu hụt một hành lang pháp lý, các chính sách ưu đãi cũng như sự đồng lòng từ các quốc gia thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.