Australia đặt mục tiêu là nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới

Thủ tướng Australia đã phác thảo một kế hoạch trị giá hơn 926 triệu USD để đẩy nhanh việc tiếp nhận các công nghệ kỹ thuật số sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Australia đặt mục tiêu là nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới ảnh 1Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu trong cuộc họp báo tại Canberra. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 6/5 thông báo sẽ đầu tư để đưa Xứ sở Chuột túi trở thành nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Ông Morrison đã phác thảo một kế hoạch trị giá 1,2 tỷ AUD (tương đương hơn 926 triệu USD) để đẩy nhanh việc tiếp nhận các công nghệ kỹ thuật số sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chiến lược Kinh tế Kỹ thuật số của Australia sẽ bao gồm 502 triệu AUD (hơn 387 triệu USD) để nâng cao hệ thống chính phủ điện tử MyGov và hệ thống y tế điện tử My Health Record, cùng hơn 100 triệu AUD (trên 77 triệu USD) tài trợ cho công tác bồi dưỡng kỹ năng kỹ thuật số đối với người lao động.

Bên cạnh đó, 124 triệu AUD (khoảng gần 96 triệu USD) sẽ được chi cho việc cải thiện năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) của Australia, theo đó Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) sẽ được xây dựng với chức năng chỉ đạo một trung tâm AI quốc gia.

[Cơ hội xây dựng nền kinh tế số của các quốc gia châu Á]

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Morrison nêu rõ: “Mọi doanh nghiệp ở Australia hiện nay đều là một doanh nghiệp kỹ thuật số. Sự chuyển đổi này không chỉ là một sự chuyển đổi cần diễn ra trên quy mô quốc gia, mà là một sự chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta phải giữ đà phát triển kỹ thuật số để đảm bảo sự phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID-19."

Gói ngân sách trên là một phần của ngân sách liên bang cho tài khóa 2021-2022, qua đó tăng khoản đầu tư của Chính phủ Australia cho nền kinh tế kỹ thuật số lên đến 2 tỷ AUD (1,54 tỷ USD).

Bộ trưởng Tài chính Australia - ông Josh Frydenberg cho biết: "Tăng cường áp dụng kỹ thuật số sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất, qua đó thúc đẩy tạo việc làm và mức lương cao hơn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.