Theo thông tin từ tờ Australian Financial Review (AFR), các quan chức Mỹ và Australia đã có một số cuộc đàm phán kín về việc hợp tác ngăn chặn phía Trung Quốc mua lại các mạng viễn thông di động Digicel ở Thái Bình Dương và Caribe.
Trong bài báo đăng tải trên tờ AFR, 2 nhà báo John Kehoe và Andrew Tillett cho biết động thái trên là phép thử đầu tiên cho “Sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” (B3W) của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Sáng kiến B3W được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 6/2021.
AFR cho biết Thủ tướng Scott Morrison và Ủy ban An ninh Quốc gia Australia đã xem xét vấn đề nhạy cảm này, trong khi các quan chức chính phủ liên tục có các cuộc đối thoại với những người đồng cấp Mỹ.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Mỹ và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (tiền thân là Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại) đang đánh giá tình hình của Digicel tại Caribe và Trung Mỹ - các khu vực lân cận với Mỹ, cũng như quan tâm tới hoạt động của doanh nghiệp này ở khu vực Thái Bình Dương.
Các quan chức an ninh quốc gia tại Canberra lo lắng rằng Digicel có thể bị lợi dụng để do thám những nước láng giềng và các bộ trưởng trong chính phủ của Australia, kiểm soát các phương tiện truyền thông để tuyên truyền chính trị cho các nhà lãnh đạo thân thiện với Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương và trở thành một phương tiện bảo trợ cho giới chính trị tham nhũng trong khu vực.
Tác giả bài viết tiết lộ các quan chức Australia và Mỹ đã thảo luận về tình hình của Digicel từ năm ngoái, sau khi xuất hiện các thông tin rằng tập đoàn viễn thông này đang phải chịu áp lực tài chính từ các chủ nợ và có thể phải bán tài sản cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, chẳng hạn như Tập đoàn Viễn thông Di động Trung Quốc (China Mobile).
Tuy nhiên, cả 2 bên đều không rõ Trung Quốc có bao nhiêu lợi ích chính đáng trong việc mua lại Digicel và liệu tỷ phú người Ireland Denis O’Brien - chủ sở hữu tập đoàn, có đang phóng đại sự quan tâm của Trung Quốc để tạo ra áp lực đấu giá nhằm tối đa hóa giá bán hay không.
Tập đoàn viễn thông Digicel
Digicel được thành lập tại “thiên đường thuế” Bermuda và có hoạt động tại 33 thị trường, bao gồm rất nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Mỹ và Thái Bình Dương như Jamaica, Haiti, Trinidad & Tobago, Barbados, quần đảo Cayman, Panama, El Salvador.
Thông tin từ trang ABC của Australia cho biết tỷ phú O'Brien là người sáng lập, đồng thời là chủ sở hữu của Digicel.
Thông qua công ty con là Digicel Thái Bình Dương, Digicel hiện đang kiểm soát các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu trong khu vực này. Digicel Thái Bình Dương sở hữu tới 91% thị trường điện thoại và băng thông rộng ở Papua New Guine, 65% ở Vanuatu, 69% ở Samoa, 58% ở Tonga, 32% ở Fiji và 100% ở Nauru.
[Đằng sau việc Mỹ và Australia hợp tác mua lại công ty Digicel]
Mỗi năm, Digicel Thái Bình Dương thu về khoản lợi nhuận trung bình lên tới 300 triệu AUD (204 triệu USD). Do đó, về cơ bản, công ty này đang hoạt động rất tốt và không phải là mục tiêu lý tưởng để các doanh nghiệp khác tính đến chuyện “thâu tóm.”
Thế nhưng, Tập đoàn mẹ Digicel đã đệ đơn phá sản ở Bermuda cách đây hơn một năm và đề xuất tái cấp vốn cho khoản nợ lên tới 7,4 tỷ USD. Vì vậy, Digicel Thái Bình Dương bất ngờ trở thành một mặt hàng được chào bán.
Sự vào cuộc của công ty viễn thông hàng đầu Australia
Ngày 19/7, công ty viễn thông Australia Telstra xác nhận đã được Canberra “bật đèn xanh” cho việc mua lại số cổ phần tối thiểu để kiểm soát hạ tầng mạng điện thoại di động của Digicel ở Thái Bình Dương.
Telstra đã đề xuất một khoản hỗ trợ trị giá 2 tỷ AUD (136 tỷ USD) từ nguồn ngân sách quốc gia để mua lại hạ tầng của mạng 3G và 4G ở Papua New Guinea, Fiji, Tonga, Vanuatu, Nauru và Samoa.
Hiện Telstra đang cập nhật thông tin trên thị trường để có báo cáo phương án tài chính cuối cùng vào ngày 12/8 tới đây.
AFR cho biết vào cuối năm 2019, các giám đốc điều hành của Telstra và một công ty viễn thông lớn khác của Australia là Optus đã tham dự một số cuộc họp tại Washington (Mỹ).
Các cuộc họp có sự tham dự của chính phủ Mỹ, các nhà tư vấn chính sách và cộng đồng công nghệ Mỹ, trong đó thảo luận về cách thức mà các quốc gia phương Tây có thể phát triển mạng di động 5G và các mạng di động tương lai để tránh sự tham gia của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei.
Quan ngại của Canberra
Một điểm đáng chú ý, theo phóng viên Andrew Probyn của trang ABC, đó là China Mobile, nhà khai thác mạng viễn thông lớn nhất Trung Quốc, đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua lại Digicel Thái Bình Dương.
Ngoài ra, trong những ngày gần đây, gã khổng lồ công nghệ Huawei thông báo đã đạt được thỏa thuận trị giá 6 tỷ AUD (4 tỷ USD) để xây dựng phần lớn các trạm trung tâm cho mạng 5G của China Mobile.
Do đó, các nhà quan sát cho rằng việc ngăn chặn Digicel Thái Bình Dương rơi vào tay một công ty Trung Quốc được Canberra coi là quan trọng về mặt chiến lược, tương tự như việc ngăn chặn Huawei nắm giữ mạng 5G của Australia.
Một điểm đặc biệt khác nữa là Digicel Thái Bình Dương sử dụng một tuyến cáp quang dài 4.700km dưới biển, bắt đầu từ thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia đến Papua New Guine và Quần đảo Solomon. Tuyến cáp quang này được xây dựng năm 2018, do Chính phủ Australia tài trợ phần lớn với mục đích ngăn chặn hai quốc đảo láng giềng ký hợp đồng với Huawei.
Gần đây nhất, tháng 10/2020, Australia, Mỹ và Nhật Bản - nhóm đối tác đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã công bố kế hoạch trị giá 30 triệu USD nhằm tài trợ một tuyến cáp quang khác cho Cộng hòa Palau (quần đảo có hơn 500 đảo nhỏ).
Chính phủ Australia nhấn mạnh “kết nối Internet an toàn và tin cậy trong khu vực sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy du lịch, kinh doanh và đầu tư, cũng như cung cấp dịch vụ công tốt hơn, đặc biệt là y tế và giáo dục. Nauru cũng đang mong muốn sẽ có một tuyến cáp quang tương tự.
Những yếu tố này củng cố quan điểm cho rằng Canberra chắc chắn sẽ ủng hộ Telstra trong thương vụ “nhạy cảm” nói trên.
Thỏa thuận vì lợi ích quốc gia
Telstra sẽ phải huy động từ 400-500 triệu AUD (272-340 triệu USD) để mua cổ phần của Digicel Thái Bình Dương. Khoảng 1,5 tỷ AUD (1,02 tỷ USD) khác sẽ được vay từ nguồn ngân sách Chính phủ Liên bang Australia với mức lãi suất ưu đãi, vào khoảng 2,5-3%, cao hơn một chút so với mức mà chính phủ có thể cho vay, nhưng vẫn cực kỳ cạnh tranh.
Nếu lãi suất là 3%, Telstra sẽ phải trả 45 triệu AUD (30,6 triệu USD) mỗi năm cho khoản vay 1,5 tỷ AUD, trong khi nhận lại khoảng 300 triệu AUD mỗi năm từ hoạt động kinh doanh của Digicel Thái Bình Dương trong khu vực.
Amanda Watson, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia, nói với AFR rằng Telstra chắc chắn sẽ thu lợi nhuận nếu đạt được thỏa thuận với Digicel Thái Bình Dương.
Hoạt động kinh doanh toàn cầu của Digicel gặp thách thức “rất đáng kể” về nợ và buộc phải tái cơ cấu nợ để giữ chân các trái chủ. Theo bà Watson, việc bán bớt chi nhánh Digicel Thái Bình Dương có thể là một chiến lược tối ưu, vì nó mang lại lợi nhuận hợp lý và giúp giải quyết nợ cho tập đoàn mẹ.
Nhưng lợi nhuận không có nghĩa là tất cả. Đây là một thỏa thuận phục vụ lợi ích quốc gia.
Đằng sau toan tính của Canberra và Washington
Bộ trưởng Nội vụ Karren Andrews đã từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu chính phủ Australia có sẵn sàng đứng ra bảo lãnh thế chấp cho Telstra mua lại Digicel Thái Bình Dương hay không. Tuy nhiên, bà xác nhận rằng thỏa thuận tiềm năng này có tác động đến vấn đề an ninh quốc gia.
Tại Mỹ, những quan ngại về việc hạ tầng của Digicel ở các quốc gia lân cận có thể bị một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mua lại bắt đầu từ năm 2020, dưới thời của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi tháng 1, cựu Đại sứ Mỹ ở Jamaica Donald Tapia cho biết gián điệp Trung Quốc đã sử dụng mạng lưới của Digicel để nghe trộm các cuộc điện thoại của ông. Vào thời điểm đó, Thời báo Ireland đã đăng tải thông tin Digicel phản bác rằng những tuyên bố này là “không có cơ sở.”
Theo AFR, mối quan tâm của Mỹ với Digicel đã được chính quyền Tổng thống Biden tiếp nối. Tại cuộc họp G7 ở Anh vào tháng 6/2021 vừa qua, Tổng thống Biden đã giới thiệu Sáng kiến B3W nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng hạ tầng một cách minh bạch.
Sáng kiến B3W do Tổng thống Biden đưa ra giúp thu hẹp khoản tài chính 40.000 tỷ USD mà các quốc gia đang phát triển cần có từ nay tới năm 2035. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết: “Đây không chỉ là việc đối đầu hay cạnh tranh với Trung Quốc”./.