Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nguồn thông tin đa dạng, người tiêu dùng cũng ngày càng thông minh hơn trong việc lựa chọn thực phẩm, sản phẩm phải an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.
Chính vì vậy, để có thể đứng vững trên thị trường, sự lựa chọn đầu tiên trong nhiều mặt hàng cùng loại của nhiều đơn vị khác nhau là sản phẩm đó phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Nắm bắt yếu tố này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đặt tiêu chí của người tiêu dùng lên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, cũng như sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng thiết yếu.
Yếu tố đầu tiên để người tiêu dùng nhận biết quy trình sản xuất sản phẩm và chất lượng chính là hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Có như vậy, cho dù người tiêu dùng không đến trực tiếp trang trại hay cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến, vẫn có thể nắm rõ thông tin sản phẩm và lựa chọn sản phẩm.
Để củng cố niềm tin người dùng và tăng tỷ lệ lựa chọn, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhanh chóng kiện toàn hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng.
Đảm bảo mã số vùng trồng cho vùng nguyên liệu
Việc cấp mã số vùng trồng, hay còn gọi là mã số định danh cho một vùng sản xuất có thể được xem là "chiếc chìa khóa" mở cánh cửa cho nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu vươn ra thị trường thế giới.
Nắm rõ điều này, ngày 7/7/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 7946/UBND-VP về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Đây chính là giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây tươi của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
[Bà Rịa-Vũng Tàu ký kết chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản]
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả chủ lực có tiềm năng xuất khẩu.
Hiện trên địa bàn tỉnh có tám vùng trồng, tương đương với tám mã vùng trồng cây ăn quả chủ lực là bưởi da xanh, nhãn, chuối với diện tích gần 500ha, có 2 cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu đã được cấp mã cơ sở đóng gói.
Tương ứng với tám mã vùng trồng này là số lượng mã vùng trồng dành cho những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường Trung Quốc (3 mã), Mỹ, Australia (2 mã), thị trường châu Âu (3 mã), do nhiều đơn vị sở hữu.
Đó là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm, Công ty TNHH Thương mại Nochy, Công ty cổ phần cao su Thống Nhất, Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, trang trại bưởi hữu cơ Kim Long, Trang trại bưởi Hoàng Long 1, Trang trại bưởi Hoàng Long 2.
Theo ông Trần Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Thống Nhất, khi thực hiện chuyển đổi hơn 220ha cao su kém hiệu quả sang sản xuất chuối già Nam Mỹ, Công ty đã thực hiện đúng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời với các yêu cầu của đơn vị nhập khẩu chuối từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Công ty đã nhanh chóng làm thủ tục xin cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho hơn 220ha chuối này.
Đây chính là chìa khóa mở lòng tin của người tiêu dùng nước ngoài tiếp cận sản phẩm chuối của Công ty TNHH cao su Thống Nhất.
Nhờ đó, các doanh nghiệp nhập khẩu chuối sẵn sàng kí hợp đồng dài hạn, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm chuối già Nam Mỹ.
Ngoài những loại cây đã được cấp mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói phục vụ hoạt động xuất khẩu được cấp mã số cơ sở đóng gói, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang xem xét mở rộng diện tích và nâng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng nhiều hơn, tạo cơ sở chính thống cho các mặt hàng nông sản của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn, thời gian tiếp theo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục thực hiện công tác thiết lập, quản lý và đề nghị cấp mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng, thanh long, mở rộng diện tích đề nghị cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.
Huyện Xuyên Mộc hiện đang lập hồ sơ đăng kí cấp 4 mã số vùng trồng thanh long trên địa bàn, với diện tích 57ha, sản lượng hơn 1.600 tấn; trong đó sản lượng xuất khẩu ước hơn 1.400 tấn/năm.
Bên cạnh đó, huyện Châu Đức đang lập hồ sơ đăng kí cấp 6 mã số vùng trồng cho cây sầu riêng, với diện tích 80ha, sản lượng 600 tấn/năm; trong đó, sản lượng xuất khẩu ước hơn 500 tấn/năm.
Để việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói minh bạch, chuẩn xác, ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra quản lí và sử dụng mã số vùng trồng hiệu quả, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản phẩm từ vùng trồng đến đơn vị xuất khẩu chặt chẽ hơn.
Lấy tiêu chuẩn OCOP là nền tảng phát triển
Từ nền tảng vùng nguyên liệu cung ứng cho chế biến, xuất khẩu được cấp mã số vùng trồng hiệu quả, thì việc chứng nhận sản phẩm chất lượng như một bệ phóng cao hơn để người sản xuất có động lực tăng kỹ thuật sản xuất, thêm niềm tin bán hàng và tăng chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Do đó, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở mức phổ thông để gia tăng lòng tin với người tiêu dùng là chứng nhận OCOP, mỗi xã một sản phẩm.
Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP - đã góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đồng thời, chương trình này cũng đã giúp cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí về tổ chức sản xuất thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp.
Sản phẩm OCOP từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng sản phẩm trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm.
Cho đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 50 sản phẩm nông nghiệp của 20 chủ thể được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, có 12 sản phẩm 3 sao, 33 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Dự kiến, trong tháng 12/2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ công nhận thêm 30 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, nâng tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 80 sản phẩm.
Theo tiêu chí lấy sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP làm nền tảng, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được thị trường thế giới biết đến và lựa chọn nhập khẩu. Trong đó phải kể đến các dòng sản phẩm tiêu Bàu Mây, cacao Binon, bưởi da xanh Vũng Tàu...
Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại du lịch Bàu Mây, cho biết hiện Bàu Mây có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP là tiêu sữa, tiêu sấy muối, tiêu xanh muối và tiêu xanh dầu.
Với sự liên kết sản xuất tiêu hữu cơ trên diện tích 15ha, sản phẩm tiêu Bàu Mây đã được các nhà nhập khẩu châu Âu lựa chọn, thêm vào đó, với 4 loại sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao này, tạo sức bật cho sản phẩm tiêu Bàu Mây tiếp cận các thị trường khó tính khác.
Bên cạnh sự quảng bá thương hiệu của từng đơn vị đạt chứng nhận OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tạo điều kiện cho các đơn vị tạo tài khoản, đưa thông tin, hình ảnh sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.
Đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tạo được hơn 23.700 tài khoản dữ liệu số và hơn 800 gian hàng thương mại điện tử, hỗ trợ 26 doanh nghiệp (85 sản phẩm) triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết thêm, với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với chương trình mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cụ thể hóa và triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất thực hiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, quy trình thực hiện các thủ tục đăng kí và công bố chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP, hữu cơ.../.
Bài cuối: Liên kết tiêu thụ để bền vững