Phát triển ngành nghề nông thôn gắn liền với bảo vệ môi trường; phát triển đa dạng, phong phú ngành nghề nhằm tạo hiệu quả kép, tăng thu nhập cho người dân là mục tiêu về phát triển các ngành nghề nông thôn mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Hiện, tỉnh đang nỗ lực tìm các giải pháp giúp người dân đầu tư hệ thống xử lý nước thải và đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất.
Còn khó khăn
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 các ngành nghề nông thôn sẽ giải quyết việc làm cho 13.000 đến 13.500 lao động; đồng thời công nhận thêm bốn nghề truyền thống nâng tổng số lên thành 10 nghề truyền thống và một làng nghề truyền thống; hỗ trợ phát triển nghề truyền thống; triển khai các dự án phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý môi trường.
Đồng thời, khuyến khích hỗ trợ các nghề mới phát triển tại địa phương; hỗ trợ thành lập hợp tác xã trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hướng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với du lịch...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có sáu nghề và một làng nghề truyền thống được Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định công nhận. Đó là nghề truyền thống bún Long Kiên; nghề truyền thống rượu Hòa Long (thành phố Bà Rịa); nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi (huyện Long Điền); nghề truyền thống bánh hỏi An Nhứt (huyện Long Điền); nghề truyền thống Sò ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu; nghề truyền thống sản xuất muối huyện Long Điền và một làng nghề truyền thống mới được công nhận là làng nghề truyền thống bánh tráng An gãi, huyện Long Điền.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua, có nhiều ngành nghề nông thôn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực ngành nghề đứng chân.
Nghề chế tác đá tại hai phường Tân Phước, Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ là ngành nghề nông thôn đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Hiện, tại hai phường này có khoảng 60 doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình làm nghề. Các cơ sở này sản xuất đá chẻ, đá ốp lát, đá tẩy, đá mỹ nghệ…
[Bà Rịa-Vũng Tàu xác định lợi thế, tạo bứt phá cho du lịch biển, đảo]
Những năm qua, sản xuất đá được coi là ngành kinh tế có thế mạnh, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế-xã hội chung của thị xã, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương và các vùng lân cận. Tuy nhiên, nghề này lại gặp phải tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn và khói, bụi ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống, làm việc và cuộc sống của người dân xung quanh.
Theo quy hoạch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp Tân Phước bằng hình thức đầu tư xã hội hóa để di dời các cơ sở sản xuất, chế tác đá vào đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp này.
Còn tại khu chế biến hải sản để làm cá phơi khô của các hộ dân tại khu Mộ Ông, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ cũng là một ngành nghề nông thôn gắn bó lâu đời với người dân nơi đây.
Thế nhưng, hoạt động chế biến hải sản tại khu vực Mộ Ông này nhiều năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái biển, gây ô nhiễm môi trường, hoạt động chế biến hải sản ở đây diễn ra khá thô sơ, nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cá được thu mua từ ghe tàu, chế biến đơn giản ngay tại bãi cát, phơi khô và mang đi tiêu thụ. Rác thải, nước thải hôi thối nồng nặc không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường mà trực tiếp là xuống biển ngay gần đó.
Hiện nay, 32 các hộ dân tại khu vực này đã được chính quyền địa phương vận động để di dời vào Cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Qua quá trình vận động, nhiều chủ cơ sở chế biến hải sản đã đồng ý di dời vào khu chế biến hải sản tập trung của huyện nhưng họ vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng và chưa đồng tình với giá thuê đất nên hiện nay các cấp chính quyền địa phương chưa thể thực hiện được việc di dời các hộ dân vào khu tập trung.
Hỗ trợ để phát triển bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước nên đã có một số ngành nghề nông thôn trước đây hoạt động gây ô nhiễm môi trường nhưng nay đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Nhờ vậy, bà con yên tâm sản xuất, gắn bó và phát triển nghề.
Nếu như trước năm 2018, tại các cơ sở sản xuất bún Long Kiên, phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa rất nhức nhối trong việc xử lý nước thải trong sản xuất, hầu hết số hộ dân làm nghề truyền thống bún Long Kiên không xây dựng hệ thống xử lý nước thải khi sản xuất bún. Nước thải trong quá trình sản xuất bún sẽ được xả thẳng ra môi trường, trực tiếp là kênh Thủ Lựu.
Đến nay, tất cả số hộ làm nghề ở đây đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Bastaf - xử lý bằng 5 ngăn, sau khi xử lý nước thải đạt loại B trước khi thải ra môi trường. Đây là nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với số tiền 2,8 tỷ đồng/20 hộ. Nhờ vậy, tình hình ô nhiễm từ hoạt động sản xuất bún đã không còn nữa.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp để di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động gây ô nhiễm môi trường vào khu tập trung. Các cụm công nghiệp này sẽ là nơi xa khu dân cư, có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Khu chế biến hải sản Lộc An, huyện Đất Đỏ là một ví dụ điển hình. Nếu như trước đây, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động và gây ô nhiễm môi trường tại khu vực Cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, thì khi vào khu vực chế biến hải sản tập trung các cơ sở này đã hoạt động dân ổn định, do có đầu tư hệ thống nước thải đạt chuẩn nên tình hình ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất đã dần được kiểm soát rất tốt.
Hiện tỉnh cũng đã xây dựng xong Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu, huyện Xuyên Mộc để di dời các cơ sở chế biến hải sản tại địa phương vào đây; quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung tại các địa phương để chuẩn bị di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm vào một chỗ để dễ dàng quản lý, kiểm soát môi trường...
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trưởng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để phát triển nghề nông thôn theo hướng bền vững, tỉnh cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các dự án bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ bằng cách chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian qua tỉnh cũng đã có một số chương trình hỗ trợ các ngành nghề nông thôn, ngành nghề truyền thống về hệ thống xử lý nước thải, về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nâng cao tay nghề, hỗ trợ khoa học công nghệ đảm bảo sức lao động, bảo bảo yếu tố môi trường ở khu vực nông thôn cũng như kfhu vực sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng các nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn về phát triển thu hút khách du lịch đến tham quan, học tập, phát triển du lịch cộng đồng để người nông dân có cơ hội làm du lịch ngay trên mảnh đất của mình và gìn giữ được bản sắc.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng có những đề xuất với Trung ương về đề nghị sửa đổi, có cơ chế đặc thù giao cho địa phương để có thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tạo tiền đề phát triển sản phẩm OCOP và có các điểm tham quan du lịch cộng đồng không riêng gì những sản phẩm truyền thống mà còn các sản phẩm khác của địa phương…/.