Bà Rịa-Vũng Tàu: Nông dân khốn đốn vì nông sản rớt giá kỷ lục

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang diễn ra tình cảnh hàng loạt các loại nông sản và thủy sản rớt giá xuống mức thấp kỷ lục nhưng vẫn không có người mua, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn đốn.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Nông dân khốn đốn vì nông sản rớt giá kỷ lục ảnh 1Giá bơ rớt xuống có nơi chỉ còn 1.000 đồng/kg, các nhà vườn để bơ chín rụng đầy gốc đã thối đen. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng loạt các hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gặp khó khăn, nhất là thời điểm này tỉnh đang bước vào vụ trái cây Hè.

Tỉnh đang phát huy tối đa nguồn lực để thúc đẩy quảng bá, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, qua đó  giúp nông dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng bởi điều kiện khách quan như dịch bệnh.

Hiện đang là thời điểm nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tính mùa vụ như chuối, thanh long, sầu riêng, bơ, chôm chôm... vào vụ thu hoạch.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, việc tiêu thụ các loại trái cây dịp Hè năm nay đối diện với nhiều khó khăn. Đặc biệt, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát lan rộng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã làm ảnh hưởng tới nhiều tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại, cửa khẩu.

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến chi phí sản xuất tăng cao, hoạt động kinh doanh nông sản bị đứt đoạn, áp lực chi phí lưu kho phục vụ bảo quản nông sản tăng, việc thông quan, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp, quy định phòng dịch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang diễn ra tình cảnh hàng loạt các loại nông sản và thủy sản rớt giá xuống mức thấp kỷ lục nhưng vẫn không có người mua, khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn đốn.

[Bà Rịa-Vũng Tàu ký kết chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản]

Điển hình như hàng trăm tấn bơ của huyện Châu Đức, giá rớt thấp chỉ còn từ 1.000-6.000 đồng/kg. Giá rẻ nhưng thương lái cũng không tới vườn để thu mua, bơ chín rụng đầy vườn.

Giá thanh long ở huyện Xuyên Mộc cũng chỉ còn 1.000 đồng/kg. Thanh long đến kỳ thu hoạch chín đỏ trên cây cũng không ai mua.

Cá nuôi lồng bè tại các sông Chà Và, sông Mỏ Nhát, sông Dinh cũng đang trong tình trạng giá thấp, ế ẩm không có người mua. Hiện lại đang là mùa mưa, độ PH trong nước thay đổi liên tục khiến các hộ nuôi cá biển lồng bè lo lắng không yên.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đứng ra kêu gọi người dân, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp mua ủng hộ các loại trái cây và cá lồng bè không tiêu thụ được.

Trước thực trạng đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh.

Chương trình phối hợp nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của ngành nông nghiệp-phát triển nông thôn và các tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung phối hợp, góp phần thúc đẩy quảng bá, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, đạt chất lượng, an toàn thực phẩm.

Nói về giải pháp của ngành nông nghiệp, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết về lâu dài, Sở sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030 theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế. Đây là điều kiện để các loại đặc sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

"Đặc biệt, Sở tiếp tục khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn vào quá trình trồng để có nguồn nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường, đồng thời kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các nhà sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm có giá trị gia tăng," ông Cường nhấn mạnh.

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể như phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện chương trình xúc tiến thương mại; trong đó tập trung quảng bá, kết nối các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.

Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản...

Bà Rịa-Vũng Tàu: Nông dân khốn đốn vì nông sản rớt giá kỷ lục ảnh 2Các đoàn viên thanh niên huyện Châu Đức hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển bơ đi tiêu thụ cho người dân. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu về dài, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các đơn vị quản lý chuyên ngành phải thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện Đề án 04-ĐA/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2025 của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai ngay các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các chính sách khác liên quan đến thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục rà soát quy hoạch vùng nuôi, vùng trồng phù hợp với từng loại nông sản để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, hạn chế tối đa tình trạng cung vượt cầu, dư thừa sản phẩm.

Ngoài ra, ngành cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, bảo quản, tiêu thụ, nhất là chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Song song với đó, tăng cường hướng dẫn người trồng quy trình sản xuất cho ra sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục