Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản

Đến nay, toàn tỉnh có 194 dự án FDI; trong đó có 33 dự án là của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, với tổng vốn khoảng 2,6 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào tỉnh.
Công nhân làm việc trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Vina Kyoei. (Nguồn: vinakyoeisteel)
Công nhân làm việc trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Vina Kyoei. (Nguồn: vinakyoeisteel)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Nhật Bản được tỉnh xác định là một trong những nhà đầu tư chiến lược để tập trung thu hút vốn đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.

Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 194 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có 33 dự án là của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, với tổng vốn khoảng 2,6 tỷ USD, đứng thứ năm trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mặc dù, số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký chưa nhiều, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện đạt khá cao, chiếm khoảng 70% so với tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cụ thể, nhiều dự án quy mô lớn về công nghiệp, cảng biển của Nhật Bản đã và đang được đầu tư tại tỉnh với công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa cao như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Vina Kyoei, Công ty Trách nhiệm hữu hạn ống thép Nippon Steel Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp kính NSG Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitori…

Năm 1995, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Vina Kyoei là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (thị xã Phú Mỹ).

Sau 24 năm đi vào hoạt động với công suất sản xuất ban đầu 350.000 tấn/năm, đến nay, Vina Kyoei đã xây dựng thêm một nhà máy luyện phôi thép công suất 500.000 tấn/năm, nâng tổng công suất của nhà máy lên 850.000 tấn/năm, sử dụng các thiết bị sản xuất tiên tiến nhất với công nghệ cán trực tiếp, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD. Nhà máy đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 400 lao động.

Ông Hiroyuki Iwasa, Tổng Giám đốc Công ty Thép Vina Kyoei, cho biết công ty là liên doanh đầu tiên giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thép, dự kiến trong thời gian tới, Vina Kyoei sẽ đẩy mạnh công suất sản xuất lên đến một triệu tấn thép/năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.

Năm 2017, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitori Bà Rịa-Vũng Tàu do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitori Holdings Nhật Bản đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 đi vào hoạt động giai đoạn 1 với ngành nghề sản xuất đồ gỗ, đồ nội thất, đồ ngoại thất và trang trí nội ngoại thất theo loại hình doanh nghiệp chế xuất và tạo công ăn việc làm cho 1.000 lao động.

[Khánh thành Trung tâm hậu cần Vina Japan Shirogane Logistics]

Dự án này có diện tích xây dựng 40 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 150 triệu USD, tổng công suất hơn 2 triệu sản phẩm/năm được chia làm 3 giai đoạn. Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitori Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai giai đoạn 2 của dự án.

Cho đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu đều hoạt động hiệu quả và tạo việc làm cho 3.719 lao động. Riêng năm 2018, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp cho ngân sách Nhà nước 37 triệu USD. Đây thực sự là những kết quả ấn tượng mà các doanh nghiệp Nhật Bản khi vào đầu tư đã đáp lại kỳ vọng cũng như thiện chí kêu gọi đầu tư của tỉnh.

Trong số 33 dự án đầu tư của Nhật Bản có 28 dự án nằm trong các khu công nghiệp. Điển hình là Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đến nay đã hoàn thiện đồng bộ điện, nước, khí gas, cáp thông tin viễn thông đến hàng rào các nhà máy; khu công nghiệp đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với công suất xử lý 9.000m3/ngày đêm, đạt tiêu chuẩn A… trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư. Trong số 12 dự án đầu tư hiện có tới 9 doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, các dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đã góp phần tạo nên nền công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều tập đoàn và các công ty có thương hiệu lớn đã chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là địa điểm đầu tư như Nippon, Asahi, Mitsubishi, Daichi, Sojitz, Sumitomo, Marubeni, Nitori…

Trao đổi về việc thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, 5 năm qua, tỉnh đã triển khai kế hoạch dài hạn để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản bằng những động thái tích cực: triển khai Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thành lập tổ chuyên viên để tiếp cận nhà đầu tư Nhật Bản, hàng năm tổ chức các đoàn công tác để tiếp cận với giới doanh nhân tại Nhật Bản để giới thiệu các dự án tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư đến với Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, kỳ vọng của tỉnh vẫn còn lớn hơn.

Định hướng thu hút đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản của tỉnh trong thời gian tới là chú trọng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương chung của tỉnh; đồng thời không ngừng tìm kiếm các nhà đầu tư có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, đầu tư vào các ngành và lĩnh vực có thế mạnh thu hút như dịch vụ logistics, cơ khí chế tạo, điện-điện tử, nhựa-hóa chất, hóa dầu.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình đầu tư như xây dựng nhà xưởng có sẵn cho thuê, sẵn sàng về hạ tầng đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư Nhật Bản trong công nghiệp hỗ trợ," ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh cũng sẽ đôn đốc các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng để hoàn thành san nền các khu công nghiệp, đầu tư hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải tập trung, trạm lưu giữ và trung chuyển chất thải, công trình thoát nước, hệ thống chiếu sáng và trồng cây xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.