Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút có chọn lọc để phát triển công nghiệp bền vững

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, để phát triển bền vững ngành công nghiệp, tỉnh vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng các dự án có công nghệ hiện đại.
Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút có chọn lọc để phát triển công nghiệp bền vững ảnh 1Cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang kiên trì với mục tiêu thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, nhất là các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chính sự kiên trì này đã giúp ngành công nghiệp của tỉnh gặt hái được nhiều "trái ngọt," công nghiệp ngày càng phát triển hiện đại, bền vững.

Thu hút nhiều dự án hiện đại

Đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh, thành nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngoài các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, mặc dù tỉnh luôn kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc nhưng song song đó Bà Rịa-Vũng Tàu đã tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, chính quyền các cấp quyết liệt, hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư. 

Theo báo cáo từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2021 đến nay mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã cấp mới 46 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi tương đương 974,7 triệu USD, với tổng diện tích đất sử dụng là 289,42ha; trong đó, đầu tư FDI là 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 207,76 triệu USD, diện tích đất sử dụng là 49,35ha; đầu tư trong nước là 33 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.645 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 240,07ha.

Ngoài ra, cũng có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 267,81 triệu USD. Tổng vốn thu hút lũy kế 11 tháng năm 2021 là 1,243 tỷ USD đạt 197,22% kế hoạch và đạt 148,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng dự án thu hút mới là 46/30 dự án đạt 153,33% kế hoạch.

[Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút được nhiều dự án tại các khu công nghiệp]

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đây là con số khá ấn tượng của thu hút đầu của Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2021, đó là kết quả của sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp. Nhưng không vì vậy mà thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà tỉnh đã chú trọng vào chất lượng hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ở các ngành cơ khí, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu có khả năng cạnh tranh cao, tiến tới đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu. Mặt khác, thời gian qua tỉnh cũng đã nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để các dự án triển khai thuận lợi.

Tất cả đã đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm lớn nhất Việt Nam về khí, điện, đạm-thép. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực về đất đai, tài nguyên ngày càng hạn chế, Bà Rịa-Vũng Tàu đã luôn kiên trì với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ có giá trị kinh tế lớn.

Dự án kho ngầm chứa LPG của Công ty Trách nhiệm hữu hạn hóa chất Hyosung Vina tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là hạng mục quan trọng của dự án nhà máy sản xuất polypylene do Hyosung Vina làm chủ đầu tư. Đây là kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) lớn nhất Đông Nam Á sẽ khánh thành vào ngày 17/12 tới đây, dự án này có tổng mức đầu tư 1,35 tỷ USD. Công trình này nằm dưới độ sâu từ hơn 100m đến gần 200m so với mực nước biển, với sức chứa 240.000 tấn.

Khi kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu hoạt động sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ôtô, y tế, các loại sản phẩm nhựa, các ngành dịch vụ khác của địa phương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Khi vận hành 100% công suất, dự án "công nghiệp xanh" này sẽ đóng góp ngân sách hằng năm khoảng 80 triệu USD; thu hút, đào tạo, sử dụng nhiều lao động có kỹ thuật cao và tạo việc làm cho lao động phổ thông tại địa phương.

Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút có chọn lọc để phát triển công nghiệp bền vững ảnh 2Một dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào hoạt động. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn hóa chất Hyosung Vina, kho ngầm nêu trên gần như hoàn toàn tự động hóa bởi những công nghệ tiên tiến nhất, phía ngoài bao bọc bởi lớp đá cứng granite. Kho ngầm còn được thiết kế, thi công theo hình dáng quả trứng để áp suất không tập trung vào một điểm mà phân bố đều.

Những kỹ thuật an toàn và tiên tiến nhất để LPG cất chứa trong kho ngầm không rò rỉ ra ngoài cũng được công ty thực hiện. Kho ngầm này được đánh giá có độ an toàn gần như tuyệt đối, kể cả động đất, sóng thần hay núi lửa…Đây là một trong những dự án có công nghệ cao, hiện đại nhưng an toàn, thân thiện với môi trường được tỉnh chú trọng thu hút đầu tư trong thời gian qua.

Ngoài ra, tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn có dự án Hóa dầu miền Nam, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ… Trong tháng 11/2021, tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Bồn chứa LPG Thị Vải tại Khu công nghiệp Cái Mép. Dự án này sẽ đầu tư xây dựng 3 bồn chứa LPG nổi dạng hình cầu với quy mô công suất 2.000 tấn LPG/bồn, cùng với hệ thống công nghệ và phụ trợ để phục vụ nhu cầu và chiến lược sản xuất-kinh doanh của PV Gas tại kho cảng Thị Vải.

Các dự án đầu tư trên địa bàn với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực, thu hút đầu tư cũng được định hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường quốc tế; đồng thời tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 khu công nghiệp, với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư; trong đó có một số quốc gia có vốn FDI lớn như Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và Pháp.

Tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc

Việc thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, mà quan trọng hơn là tỉnh đã và đang tạo ra một hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.

Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút có chọn lọc để phát triển công nghiệp bền vững ảnh 3Chủ đầu tư Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Nguyễn Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh tiếp tục chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, định hướng phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổ khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Việc chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về đất, tạo quỹ đất sạch, thực hiện các thủ tục chuẩn bị để kêu gọi các dự án trọng điểm về du lịch, đô thị, cảng biển và logistics, rà soát quy hoạch, đất đai, hạ tầng trong những năm qua đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tập trung thực hiện.

Tỉnh tiếp tục xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối là giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư của tỉnh. Tỉnh tập trung đầu tư giao thông dọc hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải, kết nối các dự án du lịch dọc tuyến đường ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu, các tuyến đường kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đường Vành đai 4, thúc đẩy đầu tư cao tốc, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, nâng cấp đầu tư hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ 51, 55, 56, các tuyến tỉnh lộ kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận; thực hiện nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa, duy trì tuyến phà Cần Giờ-Vũng Tàu kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng khẳng định dù tỉnh đã và đang thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực nhưng quan điểm của tỉnh vẫn là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển bền vững ngành công nghiệp của tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.