Bà Rịa-Vũng Tàu: Vươn xa nghề chế tác đá mỹ nghệ Phú Mỹ

Bằng bộ óc sáng tạo, đôi tay khéo léo và điêu luyện, những người thợ chế tác đá mỹ nghệ Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, đã “thổi hồn” vào những hòn đá vô tri, khiến chúng trở nên sống động, đầy thần thái.
Anh Nguyễn Văn Sỹ chủ cơ sở đá mỹ nghệ Minh Trí, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phác thảo họa tiết bằng sơn ban đầu trên đá, để thợ điêu khắc. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Nghề chế tác đá mỹ nghệ xuất hiện tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ sau giải phóng trở lại đây.

Nói đến nghề đặc trưng, nghề truyền thống ở Phú Mỹ, hẳn nhiều người biết đến nghề chế tác sản phẩm từ đá. Bởi Phú Mỹ tập trung nhiều nhất mỏ đá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trữ lượng đá khai thác tại đây chiếm trên 50% tổng trữ lượng khai thác tài nguyên khoáng sản toàn tỉnh.

Sản phẩm đá được khai thác tại các mỏ trên địa bàn thị xã Phú Mỹ được đánh giá có chất lượng cao, phục vụ cho xây dựng như đá dăm rải đường, làm cốt liệu cho bêtông nhựa và cốt liệu cho bêtông xây dựng.

Bên cạnh đó, đá nguyên khai - dạng tự nhiên, khai thác tại Phú Mỹ cũng được sử dụng và chế tác ra các sản phẩm dân dụng, mỹ thuật, phục vụ vào trang trí ngoại thất, tạo cảnh quan trong các khu du lịch, khu vực công cộng, công viên. Vì vậy, Phú Mỹ đã hình thành nghề làm đá mỹ nghệ mang đặc trưng của địa phương.

Nằm dọc theo Quốc lộ 51 và sông Thị Vải, một trong 4 làng nghề truyền thống chế tác đá ở Phú Mỹ thuộc địa bàn phường Tân Phước và Phước Hòa, nghề làm đá ở đây hình thành từ những năm 1976 nhưng phải đến đầu thập niên 1990 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút một lực lượng lớn lao động của cả nước đến sinh sống và lập nghiệp.

Đá trắng ở Phước Hòa được giá đứng đầu cả nước về chất lượng, hình khối đẹp có thể làm điêu khắc, chế tạo được nhiều sản phẩm nghệ thuật vì vậy ngoài việc khai thác đá cho ngành xây dựng nên những năm gần đây, đá nguyên khai được chú ý khai thác để sáng tạo ra những sản phẩm đá mỹ nghệ.

[Ninh Vân - Nơi thổi hồn vào những tác phẩm đá mỹ nghệ] 

Nghề chế tác đá mỹ nghệ ngày càng phát triển, Phú Mỹ trở thành nới thu hút nhiều nghệ nhân giỏi, nhiều lao động trẻ theo học nghề.

Anh Nguyễn Văn Tiệp, nghệ nhân Cơ sở đá mỹ nghệ Minh Trí, xã Tân Hào, thị xã Phú Mỹ, cho biết: "Tôi cũng mới làm nghề đá này nhưng vừa làm vừa học, làm một cái hoa văn, quan trọng là cảm xúc, nhiều lúc tinh thần tốt, hoa văn sẽ có vẻ đẹp riêng và cũng tùy từng tay từng người, có người làm hoa văn ra nét thế này có người làm ra kiểu khác."

Ngoài tập trung ở Tân Phước và Phước Hòa, các cơ sở đá mỹ nghệ trên địa bàn ở thị xã Phú Mỹ còn trải rộng ở các phường Mỹ Xuân, Tân Hoàng, Tân Hải thu hút hơn 2.000 lao động; trong đó hơn 70% lao động là lao động ngoại tỉnh, có thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng/người. Những lao động có tay nghề cao có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng/người.

Trước đây, nghề điêu đã rất nặng nhọc vì phải dùng sức người là chính, hiện nay nghề đá đã có thiết bị, công nghệ hỗ trợ như vậy giá trị của sản phẩm mỹ nghệ nói chung và đã mỹ nghệ nói riêng vẫn phụ thuộc độ kéo léo và nhẫn nại của người thợ.

Tại cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Minh Trí, có địa chỉ tại thôn Tân Phước, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, nằm ngay trên mặt tiền dường Quốc lộ 51, vừa cặm cụi đánh bóng cho từng chi tiết tại bộ tháp đôi do một nhà chùa đặt làm, anh Nguyễn Thế Anh thợ chính vừa chia sẻ anh theo nghề này đã được 20 năm, sự đam mê với nghề đã “ngấm” vào máu.

“Nghề này đòi hỏi phải có hoa tay, thêm tính kiên trì, tỉ mẩn, óc sáng tạo, sự tinh tế… trong từng đường nét khắc, tạc để tạo nên những bức tượng có hình dáng sinh động và mang thần thái riêng. Làm nghề lâu nên tôi quen tay, hình mẫu, khuôn dáng đều nhớ sẵn trong đầu,” anh Nguyễn Thế Anh chia sẻ thêm.

Thợ chế tác đá tại cơ sở đá mỹ nghệ Minh Trí, xã Tân Hòa, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Công việc của những người thợ làm đá thủ công ở đây rất vất vả nặng nhọc mặc dù hiện nay nhiều công đoạn đã có máy móc thay thế, nhưng nghề này vẫn đòi hỏi không chỉ có sức khỏe, mà còn cả sự khéo léo chính xác của đôi bàn tay. Giá trị của sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của nguồn đá mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố gia công trong tất cả các khâu, từ chẻ đá, cho đến khâu chấn, đục, đẽo đá, khâu nêm và cuối cùng là khâu tẩy, điêu khắc…

Còn ông Châu Văn Quý, nghệ nhân Cơ sở đá mỹ nghệ Minh Trí lại cho biết: "Nghề đá này cực lắm, nên để muốn có tay nghề cao và phải chịu học hỏi nhiều và khi dành nghề và nắm bắt được kỹ thuật thì mới làm ra được sản phẩm có chất lượng và đẹp."

Một sản phẩm đá mỹ nghệ có chất lượng tốt, hình thức đẹp hay xấu phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề của những người thợ đá. Thợ có tay nghề cao chỉ cần quan sát vân đá, thớ đá là có thể biết được họ có thể làm được những gì từ nguyên liệu thô này; cách khoan, mài đá ra sao, có tính toán chính xác mới tận dụng nguyên liệu triệt để không bị lãng phí và mới đạt được giá trị sản phẩm cao nhất.

Một mét khối đá nguyên liệu ở núi Thị Vải hiện có giá từ 1-2 triệu đồng nhưng qua bàn tay khéo léo của người thờ, các sản phẩm có thể lên đến vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng, cá biệt có sản phẩm điêu khắc có khi tới vài tỷ đồng.

Ngoài điêu khắc, chế tác tượng đá, tượng Phật, tượng Chúa, thời gian qua các nghệ nhân ở làng đá Phú Mỹ còn chuyển qua phát triển các sản phẩm như đá cảnh sân vườn, bộ phản để nằm, bàn ghế đá, chậu rửa, bất kỳ 1 sản phẩm nào có người đến đặt hàng, các nghệ nhân làng đá Phú Mỹ đều có thể làm được.

Nhiều năm qua, làng đá Phú Mỹ trở thành trung tâm nghề đá được rất nhiều khách hàng khắp mọi miền cả nước biết đến. Anh Phạm Văn Rá ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tôi đến đây mua 1 bộ bàn ghế đá để về trưng bày, đá mỹ nghệ ở thị xã Phú Mỹ có công nghệ sắc xảo và có nét đẹp."

  Từ những hòn đá vô tri, những thợ thổi hồn vào các sản phẩm rất sinh động và đẹp mắt. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Trên địa bàn thị xã Phú Mỹ hiện có 24 điểm mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép hoạt động; trong đó có 16 mỏ khai thác phục vụ xây dựng với tổng trữ lượng 5,5 triệu m3/67ha, 5 mỏ khai thác vật liệu san lấp có tổng trữ lượng 104 triệu m3/373ha, 3 mỏ đất sét có trữ lượng hơn 4 triệu m3 khai thác trên 83 triệu ha.

Theo bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Phú Mỹ, đối với địa bàn thị xã Phú Mỹ, nghề đá cũng có từ năm 2000 đến nay và hiện nay nguồn nguyên liệu cũng có sẵn tại địa phương và chủ yếu là các mỏ đá khai thác từ vùng đá tự nhiên; ngoài ra cũng có những doanh nghiệp nhập đá từ các địa phương khác về để sản xuất và gia công và sau đó để xuất khẩu.

Để sản phẩm đá Phú Mỹ vươn xa hơn, các cơ sở sản xuất đá ở Phú Mỹ đang tích cực tìm kiếm thị trường, đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất và khuyến khích, ưu đãi các thợ làm đá có tay nghề cao không chỉ tạo ra những sản phẩm đá có giá trị mà còn tạo nên dấu ấn của vùng đất Phú Mỹ đang trên đường hội nhập và phát triển

Bằng bộ óc sáng tạo, đôi tay khéo léo và điêu luyện, những người thợ chế tác tại đây đã “thổi hồn” vào những hòn đá vô tri trở nên sống động, mềm mại và đầy thần thái.

Theo thống kê của Sở Công Thương, những năm qua, sản xuất đá được coi là ngành kinh tế có thế mạnh, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế-xã hội chung của thị xã, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương và các vùng lân cận. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu trong nước, do các cơ sở tự tìm đầu mối. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Đài Loan, Singapore, Hong Kong nhưng chưa nhiều.

Để sản phẩm đá Phú Mỹ vươn xa hơn, các cơ sở sản xuất, chế tác đá ở Phú Mỹ đang tích cực tìm kiếm đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, khuyến khích ưu đãi các thợ làm đá có tay nghề cao…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục