Các khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thiện hạ tầng đón nhà đầu tư

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 43 dự án; trong đó 15 dự án FDI, 31 dự án trong nước, vượt 26,5% về số lượng dự án.
Các khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thiện hạ tầng đón nhà đầu tư ảnh 1Một dự án đang xây dựng tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Nhận thấy được tiềm năng và lợi thế sẵn có, với hệ thống cảng biển nước sâu trung chuyển đi các nước trên thế giới, gần dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 kết nối vùng sắp sửa được đầu tư..., các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư.

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 43 dự án; trong đó 15 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 270 triệu USD; 31 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 7.094 tỷ đồng, vượt 26,5% về số lượng dự án và 22% về vốn so với kế hoạch đề ra.

Việc thu hút này cũng một là do các hạ tầng trong khu công nghiệp đã ngày càng được đồng bộ, hiện đại.

[Bà Rịa-Vũng Tàu dồn lực làm đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu]

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 do Công ty cổ phần Thanh Bình-Phú Mỹ có diện tích hơn 1.046ha và đã hoàn thành đầu tư hạ tầng; điện, nước, gas cũng đã có sẵn và cung cấp đến tận hàng rào nhà máy để phục vụ hoạt động của các dự án đầu tư vào khu công nghiệp.

Phía chủ đầu tư cũng đã liên kết các ngành công nghiệp hiện có trong tỉnh như hóa dầu, logistics và công nghiệp nguyên liệu sản xuất để giúp thay thế hàng nhập khẩu, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Nhờ vậy, dự kiến đến cuối năm 2022, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 thu hút được khoảng hơn 57.480 tỷ đồng, với nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... và gần đây nhất là các doanh nghiệp đến từ Pháp đã qua tham quan, tìm hiểu và có ý định đầu tư tại khu công nghiệp này.

Hiện tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đang gấp rút triển khai giai đoạn 2 để kịp tiến độ giao đất cho các nhà đầu tư, từ đó tạo động lực thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Các khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn thiện hạ tầng đón nhà đầu tư ảnh 2Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nitori Bà Rịa-Vũng Tàu tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Choi Heung Yeon, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình-Phú Mỹ, cho biết mục tiêu và tầm nhìn của Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là trở thành khu công nghiệp quy mô, hiện đại và là địa điểm đầu tư tối ưu nhất tại Việt Nam cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Thông qua nỗ lực hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng, dịch vụ, Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 sẽ góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đồng thời, đáp ứng được sự kỳ vọng của Chính phủ rằng Khu công nghiệp chuyên sâu sẽ trở thành cực thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, quy mô lớn từ nước ngoài. Đây cũng chính là sứ mệnh của Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Còn Khu công nghiệp đô thị Châu Đức do Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư.

Tính đến cuối tháng 10, khu công nghiệp này đã thu hút được 85 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng diện tích cho thuê hơn 500 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 48%.

Khu công nghiệp đã thu hút gần 378 triệu USD từ vốn đầu tư FDI và 5.458 tỷ đồng nguồn vốn trong nước.

Với quy mô diện tích 2.287ha, hạ tầng kỹ thuật trong Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức hiện đã được đầu tư bài bản, đồng bộ với hệ thống giao thông thuận lợi; mạng lưới thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước sạch, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy đều được bố trí liên hoàn, đầy đủ.

Định hướng thu hút đầu tư gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương, Sonadezi Châu Đức dự kiến đầu tư 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý khoảng 45.000 m3/ngày đêm.

Hiện nay, Khu công nghiệp đang vận hành một nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.500 m3/ngày đêm.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức thông tin, cùng với việc bồi thường giải phóng mặt bằng thì công ty cũng tập trung vào việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải chiếu sáng trên phần diên tích đã bàn giao nhằm đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thuê đất trong khu công nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chủ đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các khu công nghiệp đã thực hiện giá trị đầu tư hạ tầng khoảng 689,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 56,96% kế hoạch năm.

Lũy kế đến nay, tổng giá trị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là hơn 19.363 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,8 so với vốn đầu tư đăng ký thành lập và điều chỉnh.

Cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã rốt ráo phối hợp với các địa phương, các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như kêu gọi thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Cũng trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc; trong đó chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế của cảng nước sâu.

Với mục tiêu đó, việc đầu tư hạ tầng của các khu công nghiệp phải mang tính hiện đại, bảo đảm với điều kiện mà tỉnh đặt ra.

Do đó, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.