Ngày 15/7/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua Nghị quyết 29/NQ-HĐND về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đây là một quyết sách lớn, thể hiện sự nhạy bén, nắm bắt cơ hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển hệ thống giao thông kết nối, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh, sớm đưa địa phương trở thành một đô thị biển cửa ngõ cho toàn vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Định hình đô thị biển
Theo Nghị quyết 29, tỉnh điều chỉnh hơn 10.570 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để tập trung vốn cho các dự án quan trọng hơn; trong đó, cân đối bổ sung hơn 9.997 tỷ đồng cho 10 dự án giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh gồm: bố trí 4.500 tỷ đồng cho 6 dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư và dự kiến số vốn còn lại cho 4 dự án sau khi có hoàn tất thủ tục đầu tư.
Các dự án giao thông trên đều là những tuyến đường kết nối liên vùng, nội vùng với hệ thống cảng biển và trung tâm du lịch biển lớn trên địa bàn tỉnh. Vì vậy việc đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn kết nối hợp lý có ý nghĩa quan trọng, định hình một đô thị du lịch - cảng biển cửa ngõ liên thông với toàn vùng Đông Nam Bộ.
Cụ thể như tuyến tỉnh lộ ven biển Vũng Tàu-Bình Châu kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, thị xã Phú Mỹ đi qua các trung tâm du lịch ven biển của thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa, huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc; đường Hội Bài-Phước Tân kết nối Quốc lộ 51 với đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu kết nối thị xã Phú Mỹ đến thành phố Bà Rịa; đường trục chính Bà Rịa-Vũng Tàu nối thành phố Bà Rịa đến vòng xoay quốc lộ 51B, 51C ở thành phố Vũng Tàu...
Để tập trung vốn cho 10 dự án trên, ngoài sử dụng 5.170 tỷ đồng trong tổng số 5.320 tỷ đồng vốn dự phòng; dựa trên cơ sở đánh giá sự cần thiết tại thời điểm hiện nay, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn quyết định hủy 21 dự án và tạm hoãn 27 dự án với tổng vốn hơn 4.066 tỷ đồng đã được phê duyệt trước đó.
[Phát triển đa dạng các loại hình du lịch cộng đồng ở Bà Rịa-Vũng Tàu]
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Mai Ngọc Thuận cho biết, ngay sau khi Thủ tướng quyết định đầu tư sớm đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, việc đầu tư cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành trở thành cực tăng trưởng vô cùng quan trọng.
Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá lại định hướng, kế hoạch đầu tư phát triển và thống nhất điều chuyển, tập trung vốn trung hạn cho các dự án giao thông có tính kết nối vùng để những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được phát huy hiệu quả tối đa khi đồng bộ với hệ thống cảng biển đặc biệt của quốc gia và sân bay quốc tế đi vào hoạt động.
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định mục tiêu cụ thể: "Các đô thị, các trục kinh tế động lực có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành đô thị cấp quốc gia, vùng nội thành phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm (Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải), đồng thời phát triển các đô thị vệ tinh chức năng du lịch, dịch vụ và công nghiệp đóng vai trò hạt nhân dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng ngoại thành, vùng ven biển và khu vực nông thôn."
Do đó, cần ưu tiên, tập trung vốn triển khai các dự án giao thông kết nối để tạo động lực, kích thích kinh tế-xã hội phát triển đúng hướng, hiện thực hóa nhanh nhất mục tiêu tổng quát "xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức."
Nền tảng đã sẵn sàng
Xác định, giao thông là "mạch máu" nuôi dưỡng, phát triển tất cả các lĩnh vực nên trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống giao thông nội tỉnh, đồng thời, định hướng quy hoạch và xây dựng các tuyến đường kết nối với vùng.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư đồng bộ hệ thống khung kết cấu giao thông với hơn 4.624 km và được đánh giá là địa phương có hệ thống giao thông đường bộ tốt nhất cả nước. Các tuyến tỉnh lộ kết hợp với quốc lộ tạo thành mạng lưới đường trục ngang, dọc đan xen, trải đều trên khắp địa bàn, trong đó, đường giao thông nông thôn phát triển đến cả khu vực nội đồng.
Kết quả trên góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 không kể dầu khí tăng bình quân 5,66%.
Năm 2020, không tính dầu khí, quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt hơn 358.500 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước và GRDP đầu người đạt 6.940 USD/người, gấp 15,4 lần so với năm 1992 (năm đầu lập tỉnh chỉ 450 USD/người). Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Hệ thống các đô thị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sở Xây dựng tỉnh cho biết, đến nay tỉnh có 10 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (thành phố Vũng Tàu), 1 đô thị loại II (thành phố Bà Rịa), 1 đô thị loại III (thị xã Phú Mỹ) và 7 đô thị loại V.
Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện đạt khoảng 61%, (trung bình cả nước hiện đạt khoảng 40%) và đứng thứ 6 cả nước. Đến nay, tỉnh đã định hình khu đô thị công nghiệp cảng biển Cái Mép-Thị Vải tại thị xã Phú Mỹ tích hợp khu thương mại tự do; các trung tâm du lịch lớn tại thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền và Xuyên Mộc.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Tạ Quốc Trung cho biết, thực hiện mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và các đô thị trong vùng, đồng thời phát triển hệ thống đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự kiến đến năm 2030 thành lập thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu trực thuộc Trung ương đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về "Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020," tỉnh nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chững lại trong những năm gần đây.
Cụ thể, giai đoạn 2006-2010 đạt bình quân 7,33%, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,21% (bình quân chung cả nước đạt 5,91%), giai đoạn 2016-2020 đạt 5,47% (bình quân chung cả nước là 6%). Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ rõ, nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông kết nối của vùng lạc hậu, quá tải, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, trong đó, cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải không phát huy hết công suất.
Nhận thức rõ những hạn chế trên, trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường phát triển hệ thống giao thông nội tỉnh, chờ kết nối vùng như xây dựng đường Liên cảng Cái Mép-Thị Vải dài 17,3 km chạy dọc theo hệ thống cảng và các khu công nghiệp của tỉnh để chờ nối với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành qua cầu Phước An; 4,5 km đường vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn; đường Phước Hòa-Cái Mép và đang xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm khác như: đường 991B nối quốc lộ 51 với hạ lưu cảng Cái Mép; đường Long Sơn-Cái Mép; đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương lân cận để khẩn trương khởi công xây dựng cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời, nhanh chóng xây dựng 10 tuyến đường kết nối vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua.
Ông Vinh tin tưởng, khi những dự án giao thông kết nối trên hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mạnh mẽ cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển./.