Ba tỉnh xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể Yên Tử là Di sản thế giới

Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang sẽ phối hợp hoàn thiện hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9 và hoàn thiện hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO trước ngày 31/12.
Ba tỉnh xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể Yên Tử là Di sản thế giới ảnh 1Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là Chùa Lân) nằm trên núi Yên Tử, là nơi được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành. Đây vốn là một ngôi chùa lớn, với những công trình đồ sộ nhưng đã bị hủy hoại theo thời gian, nay chỉ còn lại một vài dấu tích trên mặt đất. Năm 2002, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã được xây dựng lại. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân của ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang vừa ký biên bản cam kết hoàn thành Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trong năm 2022 để trình UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) công nhận Di sản Thế giới.

Phối hợp hoàn thiện hồ sơ

Theo lộ trình, ba địa phương trên sẽ phối hợp hoàn thiện hồ sơ lần 1 đề cử trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7; hoàn thiện hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9 và hoàn thiện hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12.

Trước đó, tháng 7/2020, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương cũng đã họp bàn về việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.

[Quần thể di tích Yên Tử hướng tới trở thành di sản thế giới]

Cả ba đơn vị đã thống nhất chương trình hành động về một số nội dung tham mưu cho lãnh đạo ba tỉnh thành lập mới Ban Chỉ đạo lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới; thành lập Tổ giúp việc xây dựng hồ sơ dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, đồng thời dự kiến lộ trình, thời gian xây dựng hồ sơ.

Tháng 1/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương xem xét, chấp thuận về chủ trương và cấp kinh phí cho Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật khảo cổ học tại một số điểm di tích không nằm trong nhiệm vụ ba đề tài khoa học cấp tỉnh năm 2021 để bổ sung cơ sở khoa học, cứ liệu chân xác, bằng chứng vật chất, làm rõ nội dung, tính chất, giá trị của các địa điểm, di tích, phục vụ triển khai nghiên cứu, bổ sung xây dựng hồ sơ Yên Tử.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học làm rõ những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Hiện, các nội dung của Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - chốn an yên từ thời nhà Trần

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương).

Đây là những địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt; cũng là nơi ra đời, hình thành và phát triển Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có hai truyền thống văn hóa tiêu biểu là Phật giáo Trúc Lâm thuần Việt và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" - thờ cúng tổ tiên mà đại diện là tôn thờ các vị hoàng đế đã khuất núi với hai hệ thống thiết chế tôn giáo tin ngưỡng (chùa, am, tháp, đền thờ và lăng mộ hoàng gia triều Trần) khá phong phú.

Ba tỉnh xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể Yên Tử là Di sản thế giới ảnh 2Vẻ đẹp cổ kính của cầu Thấu Ngọc trong chùa Côn Sơn, thuộc Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Còn Giáo sư, Tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, thuyết phong thủy.

Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Yên Tử gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần (1225-1400) và hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm.

Việc tôn vinh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới là nguyện vọng, mong muốn của đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương nói riêng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục